Với câu hỏi, khi ở nhà, cháu thích làm gì? Có đến 19 cháu trả lời rằng thích chơi đồ chơi, xem tivi, chơi với bố mẹ, nặn đất, vẽ, chơi đàn… Chỉ có 1 cháu trả lời rằng cháu thích làm bài tập về nhà. Vì sao cháu không thích học bài ở nhà, nhiều ý kiến được đưa ra. Cháu Phan Hà Linh (Trường Tiểu học Dịch Vọng A, Hà Nội) cho rằng, cháu ghét làm bài ở nhà lắm. Ở lớp cô đã cho làm nhiều bài rồi, tối về bố mẹ lại bắt ngồi học đến đêm, chẳng có lúc nào được chơi cả. Cuối tuần cũng phải đến nhà cô học thêm nữa. Có hôm đầu cháu đau, bụng cháu đau, mà chưa làm xong bài tập nên mẹ cũng không cho đi ngủ.
Lượng bài tập về nhà quá lớn là nỗi ám ảnh của nhiều trẻ nhỏ. Một khảo sát của phóng viên trên 20 em nhỏ cho thấy, có đến gần 90% học sinh tiểu học cảm thấy quá sức với bài tập về nhà. Theo các chuyên gia, quá nhiều bài tập về nhà sẽ gây phản tác dụng, thậm chí trẻ dễ bị căng thẳng, tiếp thu bài kém hơn nếu lượng bài tập về nhà quá lớn.
Cháu không thích bài tập về nhà đâu!
Với câu hỏi, khi ở nhà, cháu thích làm gì? Có đến 19 cháu trả lời rằng thích chơi đồ chơi, xem tivi, chơi với bố mẹ, nặn đất, vẽ, chơi đàn… Chỉ có 1 cháu trả lời rằng cháu thích làm bài tập về nhà. Vì sao cháu không thích học bài ở nhà, nhiều ý kiến được đưa ra. Cháu Phan Hà Linh (Trường Tiểu học Dịch Vọng A, Hà Nội) cho rằng, cháu ghét làm bài ở nhà lắm. Ở lớp cô đã cho làm nhiều bài rồi, tối về bố mẹ lại bắt ngồi học đến đêm, chẳng có lúc nào được chơi cả. Cuối tuần cũng phải đến nhà cô học thêm nữa. Có hôm đầu cháu đau, bụng cháu đau, mà chưa làm xong bài tập nên mẹ cũng không cho đi ngủ.
Chị Lê Phương Thảo (số 68 Ngô Quyền, Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) có con gái chị mới vào lớp 2, nhưng lượng bài tập về nhà cô giao hôm nào cũng nhiều. Nhiều lúc, cả nhà phải “đánh vật” với cháu, quát tháo um lên mà cháu vẫn chưa làm xong hết bài. Có hôm hàng xóm phải nhắc nhở vì ồn áo quá. Cháu cũng rất sợ cô giáo, hôm nào chưa làm xong bài là không dám đi học. Có hôm khóc khóc mếu mếu bảo đến lớp sợ cô giáo mắng.
Chị Lê Kim Oanh, giáo viên và cũng là phụ huynh Trường Tiểu học Kim Chung, Hà Nội than thở, nhiều phụ huynh cũng gọi điện trực tiếp cho giáo viên bày tỏ bức xúc vì bài tập về nhà cho các cháu quá nhiều, làm cả nhà vật lộn vất vả mà vẫn không làm hết. Nhưng vì yêu cầu của chương trình, thời lượng học trên lớp không thể hết được, buộc giáo viên phải để các cháu về nhà làm. Chỉ còn một cách là cha mẹ phải hướng dẫn con cái, dạy con phương pháp học ở nhà, không áp đặt, thúc giục, la mắng… Chưa cần bàn đến tác dụng của bài tập về nhà thế nào, mà để hoàn thành chương trình học, thì buộc các con phải làm hết.
Ủng hộ trẻ, kể cả khi bị điểm kém
Theo TS Nguyễn Thu Nga, Bộ môn Phương pháp giảng dạy, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, tác dụng chính của bài tập về nhà là nhằm giúp trẻ có thói quen học tập ngoài giờ, cũng như giúp trẻ hình thành ban đầu kỹ năng sắp xếp phân bố, sắp xếp thời gian. Nhưng bao nhiêu bài tập về nhà là đủ? Vì rõ ràng có một số trường thường bắt học sinh làm nhiều bài tập hơn các trường khác, nhưng điều này không có nghĩa là học sinh trường đó đạt kết quả cao hơn, nhất là ở trường tiểu học. Nhiều bài tập quá không chỉ khiến cho các con cảm thấy quá tải, mà còn làm ảnh hưởng đến những hoạt động bổ ích khác như chơi thể thao, chơi nhạc và giải trí. Với học sinh tiểu học, nên giao bài tập chỉ làm trong khoảng 30 phút, không giao bài tập về nhà vào cuối tuần hoặc vào những kỳ nghỉ.
Cũng theo TS Nguyễn Thu Nga, nếu cùng một lượng bài như nhau mà em đó mất quá nhiều thời gian để làm thì phải xem xét khả năng nhận thức và tiếp thu của trẻ. Cần phối hợp với giáo viên để biết chắc chắn khả năng của con mình, từ đó đề nghị cô giao một lượng bài tập phù hợp. Trường hợp trẻ không hiểu bài tập về nhà, không biết vận dụng như thế nào thì phải liên hệ với giáo viên để có sự điều chỉnh về phương pháp giảng dạy.
Cô giáo Lê Kim Oanh chia sẻ, việc học ở nhà là cần thiết để trẻ củng cố kiến thức. Tuy nhiên, không nên biến nó thành hình phạt, mà nên tạo thành một thói quen hứng khởi cho trẻ. Cha mẹ nên giúp con chuẩn bị các dồ dùng học tập cần thiết, tạo một không gian học tập, rồi sau đó cho trẻ một lượng thời gian hợp lý để con làm bài tập. Điều quan trọng nhất là bạn luôn bên cạnh con để sẵn sàng giúp trẻ khi cần. Trường hợp trẻ bị điểm xấu cũng vẫn cần nhận được những lời khen ngợi, động viên, trẻ làm bài tốt thì cũng không nên khen quá mức.
Nên dành riêng cho trẻ một góc học tập có bề mặt phẳng, yên tĩnh, đủ ánh sáng và các dụng cụ học tập như bút, bút chì, thước, kéo, hồ, từ điển, sổ tay… Bàn học dành cho trẻ không cần nhiều không gian để bày bừa nhiều tài liệu. Hãy xem xét việc đặt một tấm bảng ghi chú trong phòng hoặc góc học tập của trẻ. Tấm bảng này có thể không đẹp nhưng nên được chia thành nhiều phần để dán lên đó các mẫu giấy ghi chú việc học ở trường.