Đa số các trường hợp gù lưng xảy ra ở người già, khi xương khớp thoái hóa. Tuy nhiên, bệnh hoàn toàn có thể xảy ra ở trẻ em và dẫn đến nhiều biến chứng nặng nề.
Bác sĩ Trịnh Quang Dũng, Phó khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết trẻ bị gù lưng thường có biểu hiện cột sống lưng cong đều, lồng ngực biến dạng khiến ngực nhô về phía trước (còn gọi là ngực gà). Dấu hiện bệnh biểu hiện rõ nhất ở giai đoạn tiền dậy thì, khi trẻ từ 9 đến 12 tuổi.
Rối loạn hô hấp, tim mạch do… gù lưng
Thấy Tuấn, cậu con trai 14 tuổi, kêu đau lưng, chị Hoa (Linh Đàm, Hà Nội) nghĩ rằng do con nghịch ngợm, nô đùa quá nhiều. Tuy nhiên, càng ngày Tuấn càng kêu đau nhiều hơn. Chị Hoa chú ý theo dõi thấy Tuấn đi hơi gù, đầu chúi về phía trước. Đưa con đến Bệnh viện khám và chụp X-quang, chị mới biết con bị gù lưng, đây là nguyên nhân gây ra những cơn đau.
Còn chị Hà (ở đường Hồ Tùng Mậu, Hà Nội) lại phát hiện con gái bị gù lưng một cách rất tình cờ. Trong một lần hai mẹ con cùng tập thể dục buổi sáng, chị Hà giật mình khi thấy cột sống của con nhô cao hơn những đứa trẻ bình thường khác. Chị nhớ lại thỉnh thoảng bé Linh có kêu tức ngực, khó thở và đau vùng cột sống lưng. Tuy nhiên, chị thường chỉ lấy dầu xoa cho con vì nghĩ rằng do trẻ nghịch quá sức. Kết quả khám tại bệnh viện cho thấy bé Linh bị gù lưng.
Theo bác sĩ Trịnh Quang Dũng, giai đoạn đầu gù lưng, trẻ không đau nên thường phát hiện muộn. Chỉ đến khi trẻ bước vào giai đoạn phát triển mạnh (nam trên 18 tuổi, nữ trên 17 tuổi), các cơn đau mới xuất hiện nhiều, liên tục, kèm theo khó thở, tức ngực, chóng mệt mỏi khi làm việc hoặc tập luyện gắng sức. Trường hợp nặng có thể dẫn tới rối loạn về hô hấp, tim mạch.
Bệnh nặng hơn nếu ngồi sai tư thế
Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, cảnh báo, việc chăm sóc trẻ không đúng cách ngay từ lúc bé có thể là nguyên nhân khiến bệnh gù lưng của trẻ tiến triển nặng nề. Có trường hợp cha mẹ nóng vội, bắt trẻ ngồi, đi, đứng quá sớm khi cột sống còn non nớt, không đủ sức gánh đỡ cân nặng cơ thể, khiến trẻ có nguy cơ mắc các bệnh cột sống về sau. “Trẻ 3 – 5 tuổi nếu ngồi xem ti vi quá lâu cũng dễ bị gù. Trẻ đến tuổi đi học nếu có thói quen ngồi học sai tư thế, bò ra bàn, ép ngực vào thành bàn, nghiêng đầu, vẹo cổ khi viết cũng dẫn tới biến dạng cột sống, làm bệnh gù lưng phát triển càng nặng”, tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, nói.
Các bác sĩ cho biết, phải kết hợp nhiều phương pháp khi điều trị bệnh gù lưng ở trẻ. Với những trẻ bị gù nhẹ, không có dấu hiệu đau thì có thể không cần can thiệp bằng phẫu thuật, nhưng phải hướng dẫn trẻ tránh các thói quen có hại như trên để bệnh không tiến triển nặng. Với những trường hợp nặng hơn, các bác sĩ sẽ chỉ định phối hợp các phương pháp theo từng giai đoạn như: dùng áo nẹp chỉnh hình, các bài tập kéo dài cột sống hoặc phẫu thuật đặt nẹp cột sống.
Để phòng bệnh, cha mẹ cần chú ý dạy trẻ đi giữ đầu thẳng, hai vai cân đối, ngực hơi ưỡn ra phía trước ngay từ lúc chập chững. Khi trẻ bước vào tuổi đến trường, cần quan sát, hướng dẫn trẻ ngồi học đúng tư thế. Khuyến khích trẻ tập thể dục thể thao (bơi lội, tập xà đơn…). Nếu thấy con có dấu hiệu bất thường, cần đưa đi khám để phát hiện bệnh sớm. Trường hợp trẻ bị gù cần tái khám theo đúng định kỳ, duy trì thời gian điều trị ít nhất 12–24 tháng liên tục.