Vậy là lại bước vào một năm học mới nữa lại đến rồi, sau ba tháng hè được nghỉ thì các em học sinh rất háo hức được đến trường. Được mặc quần áo mới, giầy mới, cặp sách mới được gặp lại bạn bè, thầy cô, trường lớp bao nhiêu là cái vui…. Nhưng đó là những ngôi trường khang trang, thuận lợi rất nhiều. Còn trường tôi đang dạy ở đây thì hoàn toàn ngược lại.
Cứ sau khi nghỉ hè xong thì các thầy giáo, cô giáo phải chịu nhiều vất vả để đến được trường, được lớp. Trường tôi thuộc vùng khó khăn của mảnh đất Tây Nguyên đầy nắng và gió. Sau khi nghỉ hè xong là vào mùa mưa, con đường đi đến trường của các em cũng như các thầy cô giáo rất vất vả và khó khăn. Con đường đất đỏ mưa xuống rất trơn, đi bộ còn ngã nữa chứ đừng nói là đi xe máy, quần áo thì dính đầy bùn đất. Vô được đến trường đã khổ rồi mà còn phải vận động các em học sinh đi học.

Đến nhà các em gọi thì đều không có ai ở nhà hoặc có chỉ có người già và các em bé nhỏ mà thôi, phải đợi đến tối mọi người đi lên nương lên rẫy về mới gặp được các em. Nhắc các em đi học thì các thầy cô nhận được câu trả lời trống không “Ơ, không đi học đâu”. Chúng tôi thuyết phục mãi, thuyết phục các em không được, quay sang nói ba mẹ các em, ba mẹ các em nói “Chúng nó lớn rồi mình không ép chúng nó đâu, nó thích thì đi học, không thì thôi, chúng nó nói đi làm thuê có tiền sướng hơn”… Chúng tôi đành quay về khi trời đã tối mịt và đường về nhà còn rất xa.
Các thầy cô giáo dạy ở đây đều cách xa nhà. Nhà xa, đường đi khó khăn, đến trường vận động các em đi học. Các thầy cô còn phải làm lao động trường lớp phát quang cây cối, dọn dẹp… vì sau ba tháng hè học sinh nghỉ hết trường vắng người cây cối, cỏ dại mọc um tùm. Những khó khăn đó chúng tôi có thể khắc phục được chỉ mong sao các em đến trường đầy đủ, học và tiếp thu những kiến thức mà các thầy cô đã đi bao nhiêu cây số để đến trường dạy các em.
Dù như thế nào chúng tôi cũng phải bám trường, bám lớp không dám nghỉ. Các thầy cô trong trường dạy ở trường này lâu nhất là 11 năm rồi, tôi cũng được 7 năm. Chúng tôi cũng muốn được thuyên chuyển về gần nhà hơn, về trường thuận lợi hơn nhưng rất khó, có cô giáo dạy trường xa ngày càng ốm o và gần bước sang tuổi 30 rồi mà vẫn chưa có người yêu… cô giáo xin luân chuyển mấy năm liền mà vẫn chưa được luân chuyển. Những ai dạy trường thuận lợi thì vẫn cứ dạy trường thuận lợi, nếu có luân chuyển thì cũng là gần đâu đó chứ không ai chịu vào trường khó khăn và xa xôi.
Chắc những thầy cô nào làm nghề giáo mà dạy ở những trường vùng 3, vùng khó khăn, 100% là người đồng bào thì chắc các bạn cũng hiểu phần nào về nỗi khổ đó phải không?!. Các em học sinh người đồng bào nói và nghe tiếng phổ thông còn khó khăn và rất chậm hiểu. Nhiều lúc khổ quá chúng tôi cũng nản, muốn bỏ nghề để kiếm việc làm khác gần nhà và có thể chăm sóc con cái được tốt hơn. Nghĩ vậy mà chúng tôi cũng không từ bỏ được vì một phần chúng tôi yêu nghề giáo, một phần vì các em.
Ai sẽ dạy các em tiếp thu những kiến thức đây? Các em cũng đã chịu thiệt thòi nhiều ở nơi xa trung tâm, xa thành phố rồi không được tiếp thu những cái mới ở thành phố… Giờ chúng tôi không dạy nữa thì các em sẽ càng khó tiếp cận hơn với cuộc sống đang ngày càng đổi mới… Mới ra trường tôi xung phong đi vùng khó khăn nghĩ mình thanh niên đi không sao, sau mấy năm luân chuyển mình ra vùng thuận lợi cũng không sao… suy nghĩ thì là vậy chứ vô vùng khó khăn rồi thì khó mà có đường quay ra, vì không ai muốn vô vùng khó khăn thì làm sao mình có thể ra vùng thuận lợi được, mà mình xuất thân từ nhà nông thì càng khó khăn hơn nữa.

Tôi viết bài viết này không phải để lăng xê bản thân tôi mà tôi muốn có sự công bằng cho các thầy cô giáo đang công tác ở những vùng khó khăn. Họ đã dạy và công tác ở vùng khó khăn rất nhiều năm rồi mà vẫn chưa được luân chuyển. Nếu có luân chuyển thì cũng rất khó khăn cho họ có khi phải đi xa hơn nữa nên đành phải ở lại để chờ năm sau xin tiếp và cứ như thế mà thời gian trôi đi. Họ cũng muốn được mặc đồ đẹp để đứng lớp như các thầy cô khác, cũng muốn được có thể bồi dưỡng những em học sinh khá, giỏi, cũng muốn sáng đi dạy, trưa về cùng ăn cơm với chồng con như bao người khác.
Những điều tưởng chừng như đơn giản nhưng nó lại rất khó với họ, có khi gần thì 1 tuần mới gặp chồng con, xa thì cả tháng… Tuy đã có chính sách hỗ trợ cho vùng khó khăn rồi nhưng cũng không đến đâu vì vật chất giá cả thì tăng từng giây từng phút, lương giáo viên thì rất ít… Hãy công bằng với họ, họ đã bỏ cả tuổi trẻ và tuổi thanh xuân ở nơi khó khăn rồi.
Tây Nguyên. B.T
codai đã bình luận
hay cong bang