Chị về đập nát đồ đạc trong nhà, hỏi thẳng mặt chồng: “Vì sao tôi tận tụy lo lắng cho anh, cho con, cho cả bên nội đầy đủ, tươm tất vậy mà anh không vừa lòng? Tại sao mười mấy năm chung sống, anh không gọi nổi một tiếng ’em’ mà giờ nói năng ngọt ngào với thiên hạ?”.
Là con nhà nghèo, bố mất sớm, Kính hiểu rõ cảnh cô độc, nhọc nhằn của mẹ và chị nên tâm niệm sau này không để cho vợ thiếu thốn bất kỳ thứ gì.
Khi cưới được Giang, lúc nào Kính cũng lo vợ buồn, vợ bệnh, vợ thiếu thốn…
Là con gái duy nhất của một gia đình công chức, không giàu nhưng chị luôn được bố mẹ cưng chiều nên khi lấy chồng, điều đầu tiên chị quy ước với chồng là: “Em không thích sống chung nhà với ai cả và em cũng không biết làm gì hết”.
Nghiễm nhiên, cưới nhau xong, anh vừa cật lực cày để lo cho tổ ấm của mình vừa kiêm luôn việc chợ búa, nấu nướng. Còn Giang, chỉ đi làm và sắm sửa những gì mình thích.
Khi chị có thai, anh cưng vợ hơn trứng mỏng. Chị đi làm sau khi cu Tin được ba tuổi. Anh lo lắng chị mệt, ốm, nên lúc nào cũng nhắn tin, điện thoại hỏi thăm…
Cũng vì thế, khi “mục sở thị” cảnh vợ mình đi chợ, nấu cơm, chăm chút bàn tiệc cho chàng họa sĩ chị quen trên mạng làm Kính choáng váng. Lần đầu tiên trong đời, anh hất tung bữa cơm nóng mà vợ đã công phu chuẩn bị để chuộc lỗi với chồng.
Anh gầm lên: “Tại sao tôi đã cưng chiều cô hơn trứng mỏng, vậy mà giờ đây cô ngoại tình?”.
Giang tâm sự: “Hồi mới cưới, được chồng cưng yêu, âu yếm công khai mọi lúc mọi nơi, tôi rất tự hào. Nhưng, việc đó lặp lại mãi đâm nhàm chán”.
Ngược lại với Kính, anh Hùng nhà bên cạnh lại khá cục mịch, cộc cằn. Anh cư xử với vợ nóng nảy, không “anh anh, em em” mà chỉ “cô, tôi” một cách lạnh lùng. Anh ít khi ra mặt với xóm giềng vì mọi chuyện đã có vợ, chị Phương quán xuyến.
Còn chị Phương, khi tận mắt nhìn anh Hùng ngồi… chặt vịt, thái hành cho cô bán cháo ở một góc đường gần chợ Nguyễn Tri Phương thì lửa hận bùng lên.
Chị về đập nát đồ đạc trong nhà, hỏi thẳng mặt chồng: “Vì sao tôi tận tụy lo lắng cho anh, cho con, cho cả bên nội đầy đủ, tươm tất vậy mà anh không vừa lòng? Tại sao mười mấy năm chung sống, anh không gọi nổi một tiếng ’em’ mà giờ nói năng ngọt ngào với thiên hạ?”.
Anh Hùng cũng có cảm giác bị “ngộp thở” như Giang khi được vợ quá yêu thương.
Cưới xong, anh nghỉ làm ở công ty cũ, cùng vợ về mở xưởng cơ khí, để được “chồng đâu, vợ đó”. Tới bữa cơm, chị gắp từng đũa thức ăn bỏ vào chén cho anh.
Anh đang làm việc, chị đưa quà ăn tới tận miệng, bất kể công nhân xung quanh quay mặt giấu nụ cười. Mọi người hay trêu anh Hùng là “con trai út” của chị Phương.
Vợ anh giỏi giang, đảm đang lại cầu toàn nên không để cho chồng làm bất cứ việc gì vì sợ… anh làm hỏng. Lấy cớ chồng chỉ biết về kỹ thuật, Phương giành hết quyền giao dịch trong kinh doanh.
Anh chán, bỏ việc ở nhà suốt buổi chiều chỉ để ngắm mấy cây lan, cũng chẳng nghe vợ gọi nhờ vả điều gì. Vì thế, anh luôn mặc cảm. Một lần tình cờ gặp cô bán cháo vịt đi chợ hỏng xe dọc đường, anh ngừng lại sửa giúp.
Cái cách nói năng đơn giản, nghĩ sao nói vậy của cô làm anh cảm thấy mủi lòng. Biết hoàn cảnh cô mồ côi, phải sớm mưu sinh lo các em ăn học, giờ đã 30 vẫn chưa có một mối tình, anh càng cảm động.
Sau đó, anh Hùng thành mối quen ở hàng cháo. Anh cảm thấy mình như được… sống!
Một năm sau trận bắt ghen đó, người dân trong xóm thấy anh Hùng lủi thủi về nhà, xin chị Phương tha thứ. Nghe đâu, vốn được vợ “chu cấp” lâu ngày, giờ buông ra, anh sống một mình không ổn lắm.
Ở nhà cái gì cũng được chăm chút sẵn, thời gian đầu sống với cô hàng cháo, anh cảm thấy mình như được giải thoát, tự do, muốn làm gì thì làm, muốn ăn, ngủ ra sao tùy ý.
Do bận buôn bán, nhiều lần cô để anh tự lo bếp núc, anh lên tiếng thì cô thẳng thắn trả lời: “Em là vậy đó, chịu không nổi thì thôi”. Bỗng dưng anh thấy mình bị bỏ bê và chợt nhớ mái nhà cũ với sự chăm sóc tận tụy của chị Phương…
Anh Kính sống một mình với con trai. Căn nhà cũ được ngăn đôi, Giang bán mảnh vườn được chia, ôm tiền đi theo người tình. Mới đây, hàng xóm lại kháo nhau chuyện động trời: Giang đã bị anh chàng họa sĩ đuổi thẳng khỏi khu xóm trọ khi mang thai với hắn.
Toàn bộ tiền bạc, xe cộ của chị, hắn đều nướng sạch vào ma túy. Nghe đâu anh ta nghiện đã lâu…
luyến đã bình luận
đúng vậy đó
Ngon đã bình luận
Toi cũng được chồng cưng chìu, lo lắng cho từng miếng ăn giấc ngủ. Chồng tôi là sếp ở nơi làm việc nhưng về nhà chẳng khác gì ô-sin cho mẹ con tôi. Nhưng anh ấy lại rất khó trong mọi việc. Tôi sợ chồng hơn mọi thứ nên có dám hư như bài viết nầy đâu