Do suy thoái kinh tế, nên sức mua của hầu hết các mặt hàng trên thị trường giảm mạnh. Vào thời điểm khó khăn này không chỉ người dân mà cả những doanh nghiệp lớn cũng phải có những giải pháp thắt chặt chi tiêu.
Trong lúc bĩ cực, hàng loạt mặt hàng thiết yếu xăng dầu, gas, viện phí… lại tăng vùn vụt khiến người dân và doanh nghiệp đã khó càng thêm khó…
Đua nhau tăng giá
Chiều 1-8, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) chính thức tăng giá xăng dầu. Cụ thể, xăng tăng 900 đồng/lít và các mặt hàng dầu tăng 500 đồng/lít. Theo đó, xăng RON 92 có mức giá mới là 21.900 đồng/lít. Dầu DO 0,05S lên 20.800 đồng/lít, còn dầu hỏa cũng lên tới 20.650 đồng/lít. Xăng tăng giá một ngày sau khi hàng loạt doanh nghiệp (doanh nghiệp) kinh doanh xăng dầu đề xuất xin điều chỉnh giá. Ngày 20-7, giá xăng dầu đã tăng và đây là lần tăng giá thứ hai chỉ sau có 12 ngày. Có thể nói đây là hành động tức thì của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, chỉ vài giờ sau khi Bộ Tài chính gửi văn bản đến các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu cho phép doanh nghiệp được quyền điều chỉnh giá xăng dầu khi giá cơ sở cao hơn giá bán hiện hành.
Trước đó, giá bán lẻ điện sinh hoạt cũng đồng loạt tăng bình quân 5% vào ngày 1-7. Trong đó, giá điện kinh doanh ở hạng mục đắt nhất sẽ là 3.539 đồng/kWh, tăng 170 đồng. Tăng nhiều nhất là điện cho sản xuất, với mức cao nhất áp dụng từ 1-7 sẽ là 2.306 đồng, tăng 281 đồng.

Trong khi người dân và doanh nghiệp còn chưa hết “choáng” vì việc tăng giá điện, giá xăng thì tiếp tục đối mặt với việc tăng giá gas và giá viện phí, cũng bắt đầu từ ngày 1-8-2012. Theo thông báo của các doanh nghiệp kinh doanh gas, kể từ ngày 1-8, giá bán lẻ gas trong nước sẽ tăng tới 52.000 đồng/bình 12kg so với giá đầu tháng 7-2012. Với mức điều chỉnh này, giá bán lẻ gas tới tay người tiêu dùng sẽ được nâng lên mức 367.000 đồng/bình 12 kg.
Theo thông tin từ Bộ Y tế, từ ngày 1-8, sẽ có 10 tỉnh, TP áp dụng giá viện phí mới. Theo khung giá viện phí mới, một số dịch vụ y tế tại các tỉnh tăng cao hàng chục lần. Trong đó có 3 tỉnh có tỷ lệ tăng viện phí khá cao so với mức khung do liên Bộ Y tế – Tài chính quy định là Khánh Hòa 95%, Đồng Tháp và Ninh Thuận đều khoảng 93%. Các tỉnh, TP khác trong đó có Hà Nội dự định sẽ điều chỉnh viện phí mới vào quý III năm 2012 hoặc cuối năm 2012. Đại diện Sở Y tế Hà Nội cho biết, Sở đã đề xuất mức viện phí mới bằng 73% mức khung Bộ quy định nhưng chưa được HĐND TP Hà Nội thông qua nên tạm thời vẫn thu theo mức viện phí cũ…
Giải pháp của người tiêu dùng
Việc giá xăng dầu, điện, gas, dịch vụ y tế nối đuôi nhau tăng trong một tháng nhưng lương không tăng khiến cuộc sống của tầng cán bộ công nhân viên Nhà nước và nông dân gặp rất nhiều khó khăn. Chị Nguyễn Thị Hằng ở quận Hà Đông, Hà Nội cho biết: “Vợ chồng tôi đều là cán bộ Nhà nước, thu nhập hơn 7 triệu đồng/tháng. Với số lương ít ỏi này vợ chồng tôi đã phải tính toán rất kỹ mới tạm đủ cho sinh hoạt gia đình và lo cho hai con ăn học. Thông tin tăng giá một loạt mặt hàng thiết yếu khiến gia đình tôi rất lo lắng và tính chuyện thắt chặt chi tiêu. Tôi đang bàn với ông xã bán xe máy mua xe đạp điện, bỏ bếp gas dùng bếp than tổ ong để không ảnh hưởng đến việc ăn học của con”.
Chị Hà Thị Tú Anh ở quận Thanh Xuân, Hà Nội than thở: “Vợ chồng tôi buôn bán nhỏ ở hè phố, quanh năm mưa nắng cũng chỉ đủ ăn. Nghe tin tăng giá gas, rồi sắp tăng giá viện phí mà tôi lo quá. Chồng tôi đau yếu suốt nên thấy người ta bảo giá viện phí sẽ tăng hàng chục lần, chỉ nội soi ổ bụng đã tăng từ 30.000 đồng lên tới gần 700.000 đồng thì ốm cũng không dám đi BV vì không có BHYT…”.
Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, việc tăng giá điện, giá xăng vào thời điểm này sẽ tạo ra vô vàn khó khăn cho doanh nghiệp vì đây là 2 mặt hàng mà hầu hết đơn vị kinh doanh nào cũng phải sử dụng. Chỉ từ năm 2011 đến nay đã có hơn 50.000 doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, trong đó không ít doanh nghiệp giải thể, phá sản vì nhiều lý do, trong đó có lý do giá nguyên liệu đầu vào tăng cao. Với việc tăng giá điện, giá xăng trong năm 2012, dự báo các doanh nghiệp Việt Nam sẽ còn tiếp tục khó khăn hơn trong thời gian tới.
Với việc tăng giá xăng dầu, giá gas theo kiểu tăng nhiều giảm ít, việc tăng giá điện vì lỗ nhưng cán bộ vẫn hưởng lương khủng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và cả việc đòi tăng kịch khung mức viện phí mới tại nhiều tỉnh thành trong cả nước đang khiến cuộc sống của đại bộ phận người dân vốn đang gặp nhiều khó khăn càng khó khăn gấp bội. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp phải tuyên bố phá sản…
chỉ là giấc mơ đã bình luận
Bao giờ mới mở mắt ra được hở trời.