Con là trẻ tự kỉ, con thích ngồi thẩn thơ chơi một mình và cũng không mấy quan tâm đến người xung quanh. Nhưng đó chỉ là vẻ bề ngoài. Ai đó đang nghĩ gì, cảm giác ra sao, tài năng thế nào… đôi khi, chính con là người nhận ra đầu tiên đấy. Vì thế, cha mẹ đừng đánh giá thấp con!Đây là bài viết thực sự hữu ích cho các bậc phụ huynh có con tự kỷ. Chúng ta hãy đọc và suy nghĩ về 10 điều trẻ tự kỷ muốn nhắn gửi đến cha mẹ, theo tác giả Ellen Notbolm:
1. Con là trẻ tự kỷ
Phải, con là một đứa trẻ tự kỷ. Con thích ngồi thẩn thơ chơi một mình và cũng không mấy quan tâm đến người xung quanh. Nhưng đó chỉ là vẻ bề ngoài. Ai đó đang nghĩ gì, cảm giác ra sao, tài năng thế nào… đôi khi, chính con là người nhận ra đầu tiên đấy. Vì thế, cha mẹ đừng đánh giá thấp con! Nếu con cảm thấy cha mẹ hay ai đó không nghĩ rằng ‘Con có thể làm điều đó”, con sẽ thực sự mất niềm tin và cảm giác buông xuôi, không muốn cố gắng nữa.
2. Cảm nhận giác quan của con bị rối loạn
Có những kích thích cảm giác gây khó chịu, đau đớn cho con. Chẳng hạn, có những âm thanh, mùi vị, hình ảnh và sự đụng chạm tưởng chừng rất bình thường lại khiến con bứt rứt không yên. Cha mẹ có thể thấy con co dúm người hay hung hăng nhưng thực ra con chỉ đang tìm cách bảo vệ chính mình. Điều đó lý giải tại sao chỉ đơn giản là đi vào cửa hàng tạp hóa mà với con lại là ác mộng.
Thính giác của con có thể rất nhạy bén. Hàng chục người đang nói chuyện; tiếng loa quảng cáo oang oang; tiếng máy pha cafe… rồi tiếng bàn phím, con đều ‘bắt sóng’ nhưng não của con không thể ghi nhận được và con bị quá tải!
Khứu giác của con khá nhạy cảm. Cá trong cửa hàng không còn tươi hay ai đó đang đứng cạnh con hôm nay chưa tắm… Con không phân biệt được mọi chuyện và thực sự là thấy buồn nôn.
3. Ngôn ngữ của con bị hạn chế
Lắng nghe và dùng ngôn ngữ diễn đạt mong muốn thực sự là khó khăn, thách thức lớn với con. Không phải là con lì lợm, cứng đầu, không muốn làm theo lời cha mẹ, nhưng con không hiểu cha mẹ nói gì với con. Đừng cố gắng gọi con từ xa vì điều con nghe thấy chỉ là là mớ hỗn độn như: “*&^%$#@, Billy. #$%^*&^%$&*…”. Hãy đến trước mặt con, nói rõ ràng, ví như: “Tới giờ ăn rồi, con yêu”. Như vậy, con sẽ nhận thức được vấn đề và biết cha mẹ đang muốn con làm gì.
4. Con chỉ hiểu được ngôn ngữ theo đúng nghĩa đen
Cha mẹ đừng nói bóng gió với con, vì con không có khả năng hiểu. Đừng nói với con kiểu “Làm dễ như ăn kẹo’, trong khi không có cục kẹo nào trước mặt con và thực sự ý của cha mẹ là “Làm việc gì đó rất dễ và con có thể hoàn thành tốt”.
Thành ngữ, chơi chữ, ẩn ý, nghĩa đôi, hàm ý, ẩn dụ, ám chỉ và mai mai… đều vô nghĩa khi nói với con.
5. Xin cha mẹ hãy kiên nhẫn với vốn từ vựng hạn chế của con.
Con không biết nói thế nào khi con đói khát, ấm ức, sợ hãi, nên con có những hành vi bất thường của cơ thể hay con lăng xăng quá mức. Trái lại, con có thể lặp lại những điều con nghe quảng cáo trên truyền hình hoặc nghe người khác nói.
6. Hãy dùng hình ảnh dạy con
Thay vì chỉ nói, hãy làm mẫu hay dùng hình ảnh cụ thể để hướng dẫn con. Con khó có thể hiểu khi cha mẹ chỉ dạy có 1 lần, do đó, hãy kiên nhẫn dạy đi dạy lại con.
Thời khóa biểu bằng hình vẽ giúp con dễ dàng hiểu những việc mình cần làm trong ngày và không phải căng thẳng vì phải nhớ việc. Khi con đã quen việc, cha mẹ nên thêm cả chữ viết dưới hình vẽ rồi dần tập cho con làm quen với chữ.
7. Đừng phê phán con
Con khó lòng học trong môi trường mà lúc nào con cũng thấy mình kém cỏi. Cha mẹ đừng phê phán, chỉ trích con vụng về và hãy động viên khi con cố gắng làm vui lòng cha mẹ.
8. Hãy giúp con tương tác với bạn bè
Trông có vẻ như con thích thẩn thơ, không thích chơi đùa cùng những đứa trẻ khác trong sân. Sự thật là con không biết nên bắt chuyện ra sao và bắt đầu chơi như thế nào. Nếu cha mẹ có thể khuyến khích bạn đến rủ con cùng chơi, có thể con sẽ rất vui.
Con chơi giỏi những trò có quy luật, có mở đầu và kết thúc rõ ràng. Con cũng không biết có những biểu hiện thích hợp trong từng tình huống gặp phải. Ví dụ, nếu con có cười lớn khi nhìn thấy ai té ngã. Con không có ý chế nhạo gì cả đâu! Đơn giản là con không biết nên phản ứng ra sao cho thích hợp.
9. Kiên nhẫn tìm hiểu nguyên nhân khiến con ‘nổi cơn tam bành’
Vì vốn từ vựng của con không tốt nên con giao tiếp bằng hành vi. Khi con từ chối ăn, nôn mửa, khó ngủ, la hét, đập phá, đó là cách con bày tỏ sự khó chịu của con.
10. Xin hãy thương yêu con vô điều kiện
Bệnh tự kỷ chọn con, vì vậy, xin đừng kỳ vọng, chờ con làm một việc gì đó mới yêu thương, chở che cho con. Hãy yêu thương con vô điều kiện. Kiễn nhẫn và từ từ dạy con về thế giới xung quanh. Xin hãy coi căn bệnh của con như một khả năng đặc biệt cần thời gian để rèn dũa hơn là một ‘khiếm khuyết’. Đúng là con không giỏi giao tiếp, không giỏi nắm bắt ý của người khác… nhưng cha mẹ có thấy là con không bao giờ ăn gian, nói dối? Cũng đúng là có thể con sẽ không thành cầu thủ bóng rổ giỏi như Michael Jordan, nhưng với sự chỉ bảo tỉ mỉ, tận tình và khả năng chú ý lạ lùng, con có thể thành Einstein thứ hai, hay Mozart, hay Van Gogh…