Gần đây, các bậc phụ huynh xôn xao, lo lắng về một số những câu chuyện cổ tích xưa rất xưa rồi, nhưng chứa đựng những chi tiết kinh dị, gây hãi sợ cho người nghe, thậm chí cả cho chính những người đọc hay kể chúng cho trẻ nghe. Và từng có không ít ý kiến cho rằng, tất cả những chi tiết đó cần phải được sửa lại.
Tôi có đôi chút suy nghĩ khác về vấn đề này, bắt đầu từ khái niệm: tâm lý lứa tuổi. Tâm lý của đứa trẻ từ 0 đến 3 tuổi đã rất khác với đứa trẻ từ 3 tuổi trở lên, và lại càng vô cùng khác với tâm lý của một người lớn khi tiếp nhận một câu chuyện bất kỳ.
Truyện cổ tích là thể loại văn học dân gian mà kho tàng văn học của quốc gia nào cũng có. Và kỳ lạ thay, những câu chuyện “đáng sợ” lại thật nhiều. Từ hình ảnh những con sói, con hổ ác ăn thịt người đến mụ phù thủy ăn thịt trẻ em, mụ dì ghẻ – hoàng hậu bắt bác thợ săn giết công chúa nhỏ…
Thậm chí, cả những câu chuyện rất buồn rất sợ sau này của Andersen cũng được coi là truyện cổ tích mang tính nhân văn cao, là nền tảng cho những giá trị đạo đức của những đứa trẻ đang học làm người.
Như vậy, vấn đề không chắc đã là ở những câu chuyện mà vấn đề là truyện nào đọc cho lứa tuổi nào?
Với trẻ từ 0 đến 3 tuổi – hãy thận trọng lựa chọn câu chuyện để kể cho chúng. Những nỗi sợ của trẻ ở lứa tuổi này khá nhiều và chúng liên quan đến bất kỳ sự thay đổi nào của môi trường xung quanh và của người thân nhất của chúng là mẹ.
Thậm chí, mẹ chỉ cần cao giọng hơn bình thường, bé đã rất sợ rồi. Những bài thơ có vần điệu êm ái, những câu chuyện cổ tích về con thỏ con mèo được đọc lên ngân nga như tiếng ru, tiếng đưa nôi đưa võng… sẽ hợp với lứa tuổi này hơn cả. Vì thế, trẻ dưới 3 tuổi, mẹ chớ vội đọc những truyện cổ tích dài có tình tiết lắt léo, thắt mở nút… cho con.
Trẻ sẽ hiểu được phần nào và hiểu theo cách của chúng, nhưng những tình tiết gây kịch tích dù nhỏ nhất và đơn giản nhất chứ chưa cần đến chi tiết “kinh dị”, thậm chí, có thể chỉ là “bóng tối” hay “một ngày mẹ không có nhà”… đều sẽ trở thành áp lực đối với tâm lý trẻ mà sau đó trẻ sẽ ám ảnh khá lâu.
Với lứa tuổi từ 3 trở lên – truyện cổ đã có thể phức tạp hơn. Trẻ bắt đầu học được cách tư duy hình tượng. Chẳng hạn, khi nói đến Mẹ thì trẻ không tiếp nhận như người mẹ cụ thể của mình nữa mà đã hiểu là một người mẹ nói chung…
Và vì thế mà cách tư duy cũng sẽ phong phú hơn, không lấy mình làm trung tâm nữa, thoát ra được nỗi sợ đơn thuần khi bé vẫn tự coi mình là nhân vật chính. Tuy vậy mẹ có thể đợi khi bé lớn hơn, độ 3 tuổi rưỡi, 4 tuổi, để bắt đầu cho bé làm quen với những chi tiết “sợ” trong truyện Cô bé quàng khăn đỏ khi sói nuốt chửng hai bà cháu, Tấm Cám với những việc làm “kỳ lạ” của cả Cám và Tấm, rồi những chiếc bánh rán bị cáo ăn thịt, bà chúa Tuyết thổi khí lạnh vào làm đứa trẻ đóng băng…
Nỗi sợ thì ai mà không có. Người ta càng trải nghiệm nhiều, càng nhiều tuổi thì nỗi sợ có vẻ lại mang hình hài rõ rệt hơn. Đó cũng là lý do mà, khi người lớn đọc “Tấm Cám” lại thấy hoảng sợ hơn cả trẻ con vì những hành động Cám và Tấm thực hiện hiện ra rõ rệt, mang đậm chất “cái ác” qua góc nhìn đầy trải nghiệm của người lớn.
Những chi tiết “ác” và những nhân vật phản diện được đẩy lên độc ác đến tận cùng trong các câu chuyện cổ tích thực ra luôn mang tính biểu tượng cao. Chúng luôn có một ý nghĩa về đạo đức – qua việc cái ác, người ác bị trừng phạt nặng nề để nói được về sự trung thực, dũng cảm, công bằng và thậm chí, cả về lòng nhân hậu nữa.
Ngược lại, có những chi tiết mà người lớn không để ý, không thấy sợ, đôi khi lại gây nỗi sợ lớn hơn cho trẻ. Ví dụ, chú bé tí hon rơi vào bụng sói tối đen. Trẻ con, với trí tưởng tượng của mình, sẽ cùng nhân vật “phiêu lưu” trong bóng tối của bụng sói.
Thế nhưng, nếu như cứ “bảo vệ” trẻ khỏi tất cả các chi tiết đáng sợ lại đồng nghĩa với việc trẻ không học được điều gì lớn lao hơn trong truyện cổ tích ngoài những cây cỏ hoa lá, các muông thú hiền hậu. Trẻ phải được học giải quyết các vấn đề của mình, kể cả nỗi sợ, bằng niềm tin, người tốt, người tử tế sẽ chiến thắng dù phải trải qua vất vả, nguy hiểm, sợ hãi.
Đó là chưa kể chúng ta sẽ phá vỡ tính logic của câu chuyện, khiến trẻ em cũng mất phương hướng trong khi chúng đang ở độ tuổi tư duy có tính logic cao và thẳng. Vì thế này mà thế kia. Nếu thế này thì chắc chắn sẽ thế kia…
Bởi lẽ, một trong những “sứ mệnh” của truyện cổ tích trong việc nuôi dạy trẻ là giúp cho việc hình thành được ở trẻ mong muốn làm việc thiện, học tính sáng tạo khi giải quyết các vấn đề.
Mà sự mong muốn ấy, việc thử nghiệm sáng tạo ấy chỉ có thể xuất hiện khi câu chuyện có cao trào, có những thách thức, những khó khăn và cả nỗi sợ.
Thông thường, trong cấu trúc truyện cổ tích luôn có 3 phần: phần 1 là sự bất hạnh nào đó xảy ra, phần 2 là cách mà nhân vật chống lại với thế lực xấu và phần 3 là những thế lực tốt đẹp hỗ trợ nhân vật chính. Phần 3 chính là phần đem lại cho trẻ sự tự tin vào sức mạnh của mình. Người muốn làm việc tốt, việc thiện luôn gặp may mắn và được giúp đỡ.
Với cấu trúc rõ ràng như thế, đứa trẻ chiến thắng được hầu hết nỗi sợ hãi và tin chắc vào một đoạn kết tốt lành. Không phải ngẫu nhiên mà trẻ con sẵn sàng nghe đi nghe lại một câu chuyện cổ cho dù nó không được thay đổi tình tiết một chút nào.
Đây cũng là lúc trẻ bắt đầu tìm ra được ranh giới giữa thế giới thực của mình và thế giới cổ tích mà trước đó chúng còn đang mơ hồ. Cho đến khi trẻ đạt tới 6 – 7 tuổi, truyện cổ tích đối với chúng đã thực sự xuất hiện những bài học, những ý nghĩa rõ ràng và hoàn toàn không có nhầm lẫn giữa hiện thực và thế giới cổ tích nữa.
Và một điều quan trọng nữa là, dù thế nào đi chăng nữa, hãy tin vào… truyện cổ tích! Nếu bạn đã lớn, hẳn bạn có thể quên cảm xúc ngày bé của mình khi đọc những câu chuyện cổ thế nào. Bạn đã từng tin, đã từng hồi hộp lo lắng cho nhân vật chính và đã từng cùng nhân vật chính chống lại cái ác thế nào.
Cuối cùng, người tốt, người nhân hậu sẽ thắng. Đứa trẻ tin vào điều đó – niềm tin mà người lớn càng lớn càng giảm dần đi. Tất cả những tiểu tiết kỳ quặc đáng sợ như cô Tấm dội nước sôi vào Cám, làm mắm cho dì ghẻ ăn – đều dường như lu mờ hoàn toàn trước hình ảnh đẹp của cô Tấm với những câu ca ngân nga lưu trong nỗi nhớ thật lâu như: “Bống bống bang bang, lên ăn cơm vàng cơm bạc nhà ta… hay “Thị ơi thị rụng bị bà, bà để bà ngửi chứ bà không ăn”.
Những chi tiết ngày bé chưa hiểu lắm thì khi lớn lên, hiểu ra, cũng chỉ còn là một kỷ niệm nhè nhẹ đáng yêu của tuổi thơ mà không gây bất kỳ sự tổn thương nào cho tâm lý trẻ – tôi nhấn mạnh, với những đứa trẻ bình thường không có bệnh lý, tâm bệnh.
Một chút kỹ năng
Với các câu chuyện cổ tích, cho dù có cuốn sách trên tay, theo thiển ý của tôi, bố mẹ vẫn nên kể nhiều hơn là đọc. Có nghĩa là, không nhất thiết phải đọc tất cả những gì viết trong cuốn sách.
Giọng kể lúc trầm lúc bổng, lúc nhẹ nhàng lúc khẩn trương của mẹ, của bố, kết hợp với câu hỏi tương tác dành cho con, sẽ làm nên một câu chuyện hợp với khả năng tiếp nhận của trẻ.
Trong quá trình kể, người mẹ sẽ hình thành một cảm nhận dựa trên trực giác của người mẹ khó có thể nào sai, đoạn nào con sợ, đoạn nào con thấy thú vị cần nhấn mạnh, và phát triển. Bạn có thể đề nghị trẻ kể tiếp hoặc đặt câu hỏi đố bé đoán xem tiếp tục sẽ thế nào.
Bạn sẽ ngay lập tức hiểu được, thực sự bé sợ cái gì và không sợ cái gì. Bạn sẽ ngạc nhiên vì những lo lắng của mình đôi khi không có căn cứ!
Cách “đọc” truyện cổ tích như thế sẽ đem lại cho mẹ sự tự tin, rằng những chi tiết “ác”, “kinh dị” hẳn chưa chắc đã được/ bị tiếp nhận như người lớn phân tích.
Có thể tôi lạc quan, nhưng tôi vẫn muốn nhìn truyện cổ tích như một thể loại văn học dân gian tồn tại lâu đời, mang trong mình những bài học hiền hậu cho dù chi tiết mang tính biểu tượng của chúng có đôi khi cho cảm tưởng đáng sợ đến thế nào đi chăng nữa.
Vì thế, xin đừng sửa lại bất kỳ một câu chuyện cổ nào. Tôi chân thành mong như thế!
TS Giáo dục học Nguyễn Thụy Anh