Cho con làm việc nhà ư, bây giờ trẻ học hành lịch kín mít, còn đâu thời gian để làm việc khác… Phụ huynh thì nghĩ vậy. Nhưng thực tế là… Trẻ con bây giờ nhiều em lớn lắm rồi nhưng chẳng giúp gì được bố mẹ cả. Chẳng bù bọn trẻ con ngày xưa bé tí đã biết thổi cơm nhặt rau.
Đừng coi là chuyện nhỏ
Việc nhà thường được coi là không quan trọng và được gán cho những cái tên như việc vặt, việc không tên… và cũng được coi là xa lạ với trẻ em. Tuy nhiên, dạy trẻ biết làm việc nhà là điều quan trọng và cần thiết vì những nguyên nhân sau đây:
– Trẻ tham gia làm việc mới biết lao động là vất vả như thế nào và hình thành ý thức coi trọng thành quả của lao động, ví dụ: lau nhà không đơn giản vì vậy bé phải luôn giữ cho nhà sạch sẽ, không vứt rác bừa bãi.
– Niềm vui trong lao động khiến trẻ thêm hào hứng với các hoạt động thể lực và tự hào vì mình làm được những việc có ích.
– Cha mẹ dạy con làm việc nhà tức là đã chia sẻ được sự vất vả của mình để các thành viên trong gia đình cùng nhau gánh vác.
– Khi cùng con làm việc nhà là lúc mà cha mẹ có cơ hội khám phá thêm nhiều đặc tính của con mình mà bình thường chưa phát hiện ra như sự khéo léo, tính kiên nhẫn, tính sáng tạo…
Bắt đầu dạy con làm việc nhà từ khi nào?
Khi quyết định kết hợp những việc vặt trong nhà với cuộc sống của bé, trước tiên bạn phải cân nhắc xem công việc nào phù hợp với lứa tuổi.
– Trẻ từ 3 đến 5 tuổi có thể tự thu dọn đồ chơi vào giỏ sau khi chơi xong, tự dọn giường ngủ cho gọn hơn, cho vật nuôi ăn…
– Trẻ từ 6 đến 8 tuổi có thể giúp mẹ lau dọn bàn ăn, phơi quần áo cùng mẹ hoặc đổ rác.
– Trẻ từ 9 đến 12 tuổi có thể rửa xe, rửa bát, hút bụi, quét dọn vườn tược, nhổ cỏ.
– Trẻ lớn hơn có thể giặt là, nấu ăn, cọ phòng tắm.
Những sự phân chia này chỉ mang tính tương đối, nên căn cứ vào điều kiện cụ thể để áp dụng, miễn sao việc nhà mang lại niềm vui, sự thư giãn cho trẻ mà không ảnh hưởng đến việc học tập của các em.
1. Lên thời khóa biểu những công việc nhà cho trẻ
Bạn cùng trẻ thảo luận và lên kế hoạch làm việc nhà hàng tuần hoặc hàng tháng cho trẻ. Theo thời gian, những công việc “tay chân” sẽ trở thành thói quen không thể thiếu và tập cho trẻ một cuộc sống có tổ chức và ngăn nắp hơn. Lúc đầu, bạn hãy cho trẻ làm quen với những công việc gần gũi với trẻ nhất: cất đồ chơi sau khi chơi, để bát ăn gọn gang trên bàn ăn sau khi ăn… rồi đến những công việc nhẹ nhàng khác như gấp đồ, sắp xếp quần áo của mình, dọn phòng riêng, tưới nước cho cây cảnh…
2. Cha mẹ làm mẫu trước rồi hướng dẫn con làm theo.
Nên dạy con từng bước một từ đơn giản đến phức tạp. Thực tế, khả năng của mỗi đứa trẻ là khác nhau, vì vậy, bạn cũng không nên so sánh con với những đứa trẻ đồng trang lứa khác. Kiên nhẫn hướng dẫn và làm mẫu trước cho trẻ sẽ giúp trẻ tránh mắc lỗi khi làm việc nhà.
Mặc dù đồ chơi hay quần áo trẻ chưa cất hay gấp gọn gang… thế nhưng bạn đừng nên chỉ trích trẻ ngay tức khắc vì trẻ dễ chán nản. Trái lại, bạn hãy tự tay làm lại những việc đó trước mặt trẻ, kèm theo sự hướng dẫn tận tình để chúng có thêm kinh nghiệm cho những lần sau.
3. Đừng tiếc lời khuyến khích, khen ngợi trẻ
Lời khen ngợi không chỉ đơn giản thừa nhận những thành quả lao động của trẻ mà còn là nguồn động viên lớn lao giúp trẻ hứng thú với công việc nhà.
4. Duy trì lịch làm việc nhà của trẻ, không ngừng tạo điều kiện để trẻ được tham gia làm việc nhà.
Lưu ý:
Trẻ rất nhanh chán và thường chỉ hứng thú với những điều mới lạ. Vì vậy, bạn nên:
Thay đổi để công việc luôn thú vị
Bạn hãy thay đổi công việc, lập ra một bảng biểu luân phiên những công việc mà trẻ có thể làm mỗi tuần để công việc mà trẻ làm luôn thú vị.
Không nên quá kỳ vọng vào kết quả làm việc của trẻ
Khi trẻ mới bắt đầu công việc của mình, trẻ có thể làm sai, làm hỏng hoặc bỏ dở dang không theo ý bạn. Nhưng bạn không nên cáu gắt hoặc tỏ ý thất vọng. Bạn không nên bình phẩm, soi mói kết quả mà trẻ đã đạt được và cũng không nên đưa ra những yêu cầu quá khắt khe vì điều này khiến trẻ dễ nản chí.
Thay vì chú ý đến kết quả trẻ đạt được, bạn nên quan tâm đến những nỗ lực mà trẻ đã cố gắng làm và khen ngợi cho sự cố gắng đó.
Không nên lấy tiền làm điều kiện để trẻ làm việc nhà
Theo các chuyên gia, lấy tiền ra làm điều kiện để hoàn thành một số công việc vặt nào đó không phải là một biện pháp hay. Trẻ sẽ không học được giá trị của việc giúp cha mẹ làm các việc vặt trong nhà với vai trò là một thành viên mà sẽ đặt mục đích làm việc là để lấy tiền.