Từ tuổi nào có thể bắt đầu cho tiền con là nỗi băn khoăn của nhiều phụ huynh. Nhiều người cho rằng nên cho trẻ tiếp xúc với tiền từ nhỏ để làm quen dần, một số lại muốn con tránh xa tiền để khỏi hư hỏng.
Sẩm tối, chị Mai (Hoàn Kiếm, Hà Nội) mới đón cô con gái học đang học lớp 2 về tới nhà. Vừa bước chân vào cửa, mở điện thoại, chị đã thấy 5 cuộc gọi nhỡ của cô giáo con. Ngẫm ngợi vài phút, chị bấm số gọi lại thì được cô giáo cho biết, hôm nay các bạn vừa mách con chị mang sữa tươi ra hàng đổi bánh. Cô hỏi lý do, bé nói vì thèm bánh đầu cổng trường mà mẹ lại không cho tiền nên mang sữa ra đổi.
Quá bất ngờ, chị vội gọi con ra hỏi thì cô nàng phân bua, giải thích rằng, bạn con ai cũng có tiền tiêu vặt nên ngày nào cũng mua bánh, đồ chơi trước cổng trường. Con không có tiền, cô bán hàng nói đổi quà cũng được.
Tối đó, khi đang ngồi đọc sách, con gái chị chạy vào và đưa cho mẹ mấy tờ giấy nói là thư con muốn gửi mẹ rồi chạy biến mất. Thư viết vội của cô con gái chỉ vỏn vẹn đôi ba dòng nhưng cũng khiến chị phải suy nghĩ khá nhiều.
“Tiền tiêu vặt là rất quan trọng với 1 đứa trẻ trưởng thành như con! (Con già trước tuổi mà). Con hứa sẽ quản lý tiền thật tốt”, con gái chị Mai viết.
Khi nào nên cho trẻ tiền tiêu vặt?
Từ tuổi nào có thể bắt đầu cho tiền con là nỗi băn khoăn của nhiều phụ huynh. Nhiều người cho rằng nên cho trẻ tiếp xúc với tiền từ nhỏ để làm quen dần, một số lại muốn con tránh xa tiền để khỏi hư hỏng.
Thường thì khi lên 5 hay 6 tuổi, trẻ đã có thể tự mình mua bán và chi tiêu. Nhiều bậc phụ huynh cho con tiền tiêu vặt từ những năm tiểu học, một số khác thì đợi đến khi con vào học cấp 2 hoặc lớn hơn nữa. “Hợp lý nhất là khi con bạn bắt đầu hiểu tiền có thể dùng để mua những gì mình thích”, bà Kristan Leatherman – đồng tác giả cuốn sách Là triệu phú nhí hay những cậu nhóc rỗng túi? Dạy trẻ cách tiêu tiền bằng tình yêu và lý lẽ, khẳng định.
Vậy nên nếu con bạn thờ ơ với tiền bạc, hay thường xuyên làm mất hơn là nhét lợn thì bạn nên chờ một thời gian cho đến khi trẻ bắt đầu biết tiết kiệm và biết nghĩ nên mua gì và thích mua gì.
Bao nhiêu là hợp lý?
Việc cho trẻ tiền tiêu vặt phụ thuộc rất nhiều vào sự hiểu biết, khéo léo của cha mẹ, môi trường sống và tính cách của từng đứa trẻ. Do vậy sẽ không thể có một công thức chung mà các bậc phụ huynh cần linh hoạt, căn cứ vào từng hoàn cảnh cụ thể để quyết định chi ra số tiền tiêu vặt hợp lý nhất cho con.
Khá nhiều gia đình dùng công thức: Tuổi con x 5.000 – 10.000 VNĐ/tuần để ướm chừng số tiền nên cho trẻ tiêu vặt. Bà Leatherman nhận định, một công thức như thế này có nhiều ưu điểm so với cách cho một khoản cố định. “Tiền tiêu vặt của bọn trẻ được tăng đều đặn vào sinh nhật hằng năm. Thế là bạn đỡ phải băn khoăn tìm cách trả lời con về việc tăng tiền tiêu vặt. Thêm nữa điều này tránh được sự tị nạnh giữa các con. Đơn giản là đứa nhỏ sẽ hiểu vì sao đứa lớn lại được nhiều tiền hơn”.
Dạy trẻ tiêu tiền thế nào?
Khi cho con tiền tiêu vặt, điều quan trọng là bạn cần dạy trẻ cách quản lý và chi tiêu thích hợp. Khoan hãy cho ngay mỗi khi trẻ yêu cầu mà nên đề nghị trẻ nói sẽ dùng số tiền đó vào mục đích gì, có chính đáng hay không? Với cách làm này, con bạn sẽ được rèn luyện khả năng diễn đạt ý kiến, khả năng thuyết phục, và không nhiễm phải tư tưởng đòi gì được nấy, dễ sinh tính ỷ lại, vòi vĩnh. Lượng tiền nhỏ để trẻ cất vào ví cũng khiến chúng bắt đầu có ý thức về giá trị đồng tiền.
Hãy dạy cho trẻ biết rằng, không phải muốn thứ gì là có thứ đó. Nếu muốn, bé hãy tự tiết kiệm tiền bằng cách nuôi một chú heo đất. Bằng cách tập cho trẻ nuôi heo đất và cho heo ăn mỗi ngày, bố mẹ đã giúp trẻ hiểu thêm về giá trị của đồng tiền, và hơn thế nữa còn rèn luyện tính tiết kiệm cho trẻ ngay từ những ngày còn thơ.
Coi tiền tiêu vặt là ‘phần thưởng’ khi làm việc nhà?
Nhiều phụ huynh cho con tiền tiêu vặt qua hình thức trả công cho những việc trẻ làm trong nhà. Điều này là không nên. Bởi khi khoản tiền công không hấp dẫn, trẻ có thể không làm và khi đó bạn sẽ rơi vào hoàn cảnh khó xử.
Hơn nữa, nếu trẻ được trả công khi làm việc nhà, chúng không cảm nhận được hết ý nghĩa của việc là một thành viên trong một gia đình, trong một tập thể. Dạy cho trẻ hiểu trách nhiệm của mình khi là một thành viên trong gia đình vô cùng quan trọng. Và trách nhiệm đó không thể đem ra thương lượng. Dù cho đôi lúc trẻ không cảm thấy thoải mái khi phải quét nhà hay rửa bát nhưng sự đóng góp một cách ý nghĩa là rất cần thiết.