Các số liệu thống kê của Liên Hợp Quốc cho thấy có khoảng 500.000 phụ nữ trên thế giới bị tử vong hàng năm có liên quan đến việc mang thai và sinh đẻ. Ngoài ra, còn có trên 60 triệu sản phụ gặp phải các biến chứng nguy hiểm và 30% trong số này chịu những tổn thương suốt đời.
Liên quan đến chủ đề này, Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Mỹ (CDC) vừa giới thiệu một số nguyên nhân khiến sản phụ tử vong kèm theo cách phòng tránh.
1. Do “vỡ kế hoạch”
Tại các nước đang phát triển, phụ nữ sinh đẻ không có kế hoạch, đẻ nhiều, đẻ dày, sức khỏe sản phụ kém, ăn uống khem khổ… dẫn đến nhiều biến chứng nan y, nhất là tình trạng sinh non. Để bảo vệ sức khỏe người mẹ và đứa trẻ tương lai, các cặp vợ chồng nên có kế hoạch thật cụ thể cho việc sinh con, chỉ nên sinh 1 – 2 con trong khoảng thời gian hợp lý.
2. Do ăn uống thiếu chất
Theo nghiên cứu, trước khi mang thai phụ nữ phải có ít nhất 4 tháng bồi bổ, phục hồi sức khoẻ và sống trong môi trường trong lành, tránh xa các chất độc hại và tích đủ dưỡng chất nhằm cung cấp dưỡng chất cần thiết cho đứa trẻ, hạn chế nguy cơ nứt đốt sống do người mẹ thiếu acid folic. Để khắc phục, khi mang thai phụ nữ nên ăn uống đầy đủ và bổ sung dưỡng chất hợp lý. Cơ thể phụ nữ phải được bổ sung sắt, bởi khi mang thai cơ thể người mẹ cần lượng sắt gấp đôi mức bình thường, nếu không sẽ phát sinh tình trạng thiếu máu. Sắt có nhiều trong rau xanh, đậu đỗ, ngũ cốc…. Ngoài ra, để giúp cơ thể hấp thụ sắt tốt cần bổ sung vitamin C (có trong hoa quả tươi). Khi mang thai phụ nữ cần uống nhiều nước, tránh xa đồ uống kích thích có chứa đường, cafein hoặc các phụ gia không có lợi cho cơ thể.
3. Do viêm nhiễm
Nhiễm trùng đường tiết niệu và tiêu hóa được xem là thủ phạm nặng ký làm gia tăng rủi ro biến chứng khi sinh ở phụ nữ, đặc biệt là hiện tượng sinh non và bệnh tiền sản giật. Những người mắc bệnh này cần được khám và điều trị sớm trước khi quyết định mang thai.
4. Do dùng rượu, chất kích thích
Từ lâu y học đã cảnh báo mối nguy hiểm của việc dùng rượu, chất kích thích kể cả thuốc lá. Đây là những chất làm cho đứa trẻ chậm lớn, mắc bệnh tâm thần, dị thường về thể chất. Nếu người mẹ nghiện ma túy sẽ sinh ra những đứa con mắc nhiều bệnh, trong đó có bệnh nghiện, còn sản phụ cũng gặp phải nhiều biến chứng nan y đe dọa đến tính mạng khi vượt cạn. Hít phải khói thuốc của những người xung quanh phả ra cũng rất nguy hiểm cho sức khỏe (y học gọi đây là hút thuốc lá thứ cấp), nguy hiểm không khác gì người nghiện thuốc lá. Vì lý do này, phụ nữ trước, trong khi mang thai nên sống trong môi trường trong lành, tránh xa những chất nguy hiểm như kể trên.
5. Dùng thuốc chữa bệnh
Trong thời gian mang thai không nên tự ý dùng bất kỳ loại thuốc nào nếu không được sự cho phép của bác sĩ. Ngay cả vitamin, thuốc bổ, thực phẩm chức năng nếu dùng quá liều cũng không có lợi. Ví dụ, dùng quá liều vitamin A sẽ gây dị tật thai nhi.
6. Tăng cân, béo phì
Trong giai đoạn mang thai, phụ nữ không nên tăng cân quá nhiều, nếu không, sản phụ sẽ gặp nhiều biến chứng khi sinh, trẻ sinh ra dễ bị nhẹ cân. Trẻ sơ sinh nhẹ cân có rủi ro tử vong cao gấp 40 lần so với những đứa trẻ bình thường. Nên duy trì trọng lượng ở mức bình thường bằng chế độ ăn uống cân bằng khoa học, quan điểm ăn cho hai người là không đúng vì vậy nên tư vấn chuyên môn để duy trì chế độ ăn uống cho thích hợp. Thông thường, phụ nữ nên tăng từ 9 – 12kg cho cả giai đoạn thai kỳ là hợp lý. Riêng nhóm phụ nữ tuổi teen, những phụ nữ có trọng lượng cơ thể thấp nên tăng từ 12 – 15kg, những người dư thừa trọng lượng chỉ nên tăng từ 7 – 9kg là hợp lý.
Lưu ý trước khi sinh
Phụ nữ mang thai nên đi thăm khám thường xuyên để giảm nguy cơ tử vong cho chính bản thân và giảm rủi ro cho đứa trẻ tương lai. Tại những nơi khó khăn về kinh tế, nhất là vùng sâu vùng xa, nên tận dụng dịch vụ đỡ đẻ tại chỗ, tư vấn những người có kinh nghiệm để hạn chế rủi ro không đáng có. Nhờ việc thăm khám sớm, sản phụ có thể biết trước những rủi ro như song sinh, đa sinh, bệnh cao huyết áp, bệnh đái tháo đường, tim mạch thai kỳ. Khi mang thai được 26 – 28 tuần nên đi xét nghiệm vi khuẩn Streptococcus B để hạn chế nguy cơ nhiễm trùng khi sinh và lan truyền sang con cái. Trong quá trình thăm khám bác sĩ, sản phụ nên cho bác sĩ biết tiền sử bệnh tật của bản thân, ví dụ như xuất huyết âm đạo, viêm nhiễm, đau đầu ngón tay, mắt mờ, đau bụng, nôn ói liên tục, đau khi đi tiểu tiện hoặc tiểu tiện khó…
Rất nhiều phụ nữ mang thai xem thường công tác vệ sinh cá nhân, đây chính là thủ phạm gây biến chứng rất cao. Khi mang thai có thể tắm rửa bình thường, nhưng tắm rửa bộ phận kín thì không nên hoặc ngâm mình quá lâu trong bồn nước cũng không có lợi. Ngoài ra cũng nên tránh tiếp xúc nhóm người đang bị mắc bệnh vì virút, nhất là bệnh đậu mùa. Để tránh nhiễm giun sán từ động vật nên ăn chín uống sôi, tránh xa các chất tiết từ mèo. Quan hệ tình dục ở những tháng cuối nên hạn chế, nhất là nhóm người có tiền sử xuất huyết âm đạo hoặc đã từng sảy thai.
Tránh xa nguồn gây nhiễm phóng xạ như tia X, hóa chất độc hại. Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với các loại hóa chất dân dụng kem mỹ phẩm. Tránh xa môi trường nhiệt độ cao, quá lạnh, kể cả khi luyện tập thể thao, hạn chế tiếp xúc chân trần với đất và nước. Nên quyết định trước việc sinh bình thường hoặc phải mổ… Điều này chính sản phụ phải biết để quyết định sớm. Nên nhớ, rất nhiều ca tử vong là do chảy máu quá nhiều vì vậy phải chuẩn bị sẵn máu để truyền khi cần thiết.