Dần dần mình thấm thía cái sự ‘dễ ăn’ của anh ấy là: Thực đơn một tuần không được có món nào trùng nhau, cuối tuần nhất định phải có món là lạ cỡ như sườn nấu đậu hay cà ri dê (tự làm), phải nhớ chàng không ăn cay, ghét ăn mặn, bao tử không chịu được chất chua, dị ứng bạc hà và nhiều thứ khác (ghi vào sổ tay thì tốn khoảng 120 dòng).
Các chị vợ cứ đến giờ là ba chân bốn cẳng chạy ra chợ để mua thức ăn cho gia đình. Một chị thở dài thườn thượt: “Chán quá, chồng mình dạo này chả biết nói gì ngoài câu “Tối nay ăn gì?”. Cứ như mình là ôsin chuyên nghiệp không bằng”.
Cô nàng tên A. vừa lấy chồng được nửa năm kể khổ: “Lúc đang yêu nhau thì cứ sáng ra chàng lại gọi điện thì thầm: sáng nay em thích ăn gì, anh mua đem sang? Thế mà bây giờ, cứ như mình cưới nhầm một ông nào khác về. Đến bữa cơm mà thấy không có món khoái khẩu là xịu mặt lại, bảo ‘Em chẳng thương anh gì hết’. Nhưng anh ấy cũng có thương tớ đâu, sáng ra chẳng bao giờ ôm hôn vợ hay đèo vợ đi ăn sáng cả. Toàn hỏi ‘Tối nay ăn gì?’ rồi ‘Mấy giờ có cơm?'”.
Một chị khác tâm sự: “Nhà có lão chồng và đứa con 7 tuổi mà nhiều lúc mình có cảm giác phải nuôi cả hai đứa con. Thằng bé dù sao vẫn dễ dạy, vì còn quát với mắng được, ‘thằng lớn’ thì thua. Sáng ra, lão ta ngồi đọc báo uống cà phê nhân tiện cập nhật thông tin an toàn thực phẩm. Nào là em đừng mua cá biển, toàn phân u-rê. Thịt heo cũng không, chất cấm đấy!
Em phải chọn cá sông mà loại be bé câu được chứ không phải cá nuôi nhé, nhớ đấy, cá nuôi ăn tanh lắm. Sao em cứ mua nấm cho anh, đã bảo anh có nguy cơ bị ‘gút’ mà.

Mà em ơi, em trồng rau mầm đi. Rau giờ cũng độc lắm. Thế là mình ra giữa chợ, đứng lơ ngơ, mình chả biết mua gì ráo. Vậy mà cứ đến bữa cơm, ‘thằng lớn’ đếm không đủ ba món mặn một canh lại bắt đầu cằn nhằn. Đến tối, mình vừa làm xong đống việc nhà chưa kịp thay áo ngủ ra thì đã nghe cái lão đáng ghét ấy hỏi ‘Em ơi, tối mai ăn gì?’. Cũng may mình không có võ, không thì chắc lão đã bị bạo hành từ lâu rồi”.
Chị T tâm sự: “Bữa đầu tiên sau tuần trăng mật, tớ nấu cá kho tộ với canh chua cho chồng. Anh ấy rỉa rỉa được vài miếng rồi gác đũa, mắt nhìn xa xăm. Hỏi mãi anh mới nói, hóa ra em không biết anh ghét cá à? Em không biết canh chua làm anh đau bao tử sao? Em có thực sự yêu và quan tâm đến anh không vậy? Mình xanh mặt, tự dằn vặt cái sự vô tâm của mình đến quên cả ngủ.
Dần dần mình thấm thía cái sự ‘dễ ăn’ của anh ấy là: Thực đơn một tuần không được có món nào trùng nhau, cuối tuần nhất định phải có món là lạ cỡ như sườn nấu đậu hay cà ri dê (tự làm), phải nhớ chàng không ăn cay, ghét ăn mặn, bao tử không chịu được chất chua, dị ứng bạc hà và nhiều thứ khác (ghi vào sổ tay thì tốn khoảng 120 dòng).
Ấy vậy mà cuối năm về trình diện mẹ chồng, bà ấy còn lôi tớ ra tỉ tê rằng con làm sao mà thằng bé than rằng nó chẳng ăn uống được gì, toàn phải uống thêm sữa để bổ sung dinh dưỡng.
Mình điên quá, quyết định từ nay thích gì nấu nấy cho lão khỏi ‘chảnh’ nữa. Vậy là dạo này anh ta có cái kiểu giữa trưa nhắn tin ‘Tối nay ăn gì?’. Nếu không trả lời kiểu nước đôi hoặc kể tên những món không nằm trong nhóm ‘ăn được’ thì đảm bảo tối đó mình ăn một mình. Vì chồng thà ăn ngoài, vừa tốn tiền vừa độc hại vừa chẳng hợp khẩu vị, còn hơn phải về với ‘một người vợ không biết chăm sóc và thương yêu‘ như mình”.