Dĩ nhiên trò này chỉ hiệu quả đối với những người vợ không bao giờ tới cơ quan chồng. Nhưng mà, kể ra nhìn mặt vợ tươi roi rói mỗi khi “kiểm soát” ví chồng, cũng là những khoảnh khắc vui ít ỏi giữa những lần phải đối phó.
* Chị nói với em nhé, ngay từ giờ phải quản lý tài chính của cậu ấy đi. Không sớm sủa gì đâu. Đằng nào thì hơn một tháng nữa hai đứa cũng làm đám cưới. Đàn ông mà không được vợ quản lý tiền nong ấy à, thì có lấy vợ bao năm, lối sống vẫn như người tự do. Mà cái gì cũng nhanh thành thói quen lắm nhé, một – hai năm sống với nhau, không hình thành được kỷ luật, thì có mà cả đời cũng không cải tạo được.
Như anh nhà chị ấy, đến nấu cơm cũng nhớ đến giờ về nấu, nhưng mà bảo cuối tháng lấy lương đem về cho vợ thì còn lâu mới theo.
Cũng là tại chị ngốc, muốn làm người vợ lịch sự, để chồng tự giác với ví tiền của mình, nghĩ rằng ai cũng đều phải có trách nhiệm vật chất với gia đình chung. Cuối cùng là đến giờ cũng chẳng biết lương tháng của chồng bao nhiêu. Chồng thích đưa cho vợ đồng nào thì đưa, thích mua sắm gì thì mua sắm, còn mình thì vật vã kiếm tiền chi tiêu, chẳng bao giờ được nếm trải việc vung tay shopping bằng tiền ví chồng.
* Em không giống chị, em quản hết thu nhập của chồng em. Lương lậu bao nhiêu về cũng phải đưa cho vợ, rồi em điều tiết lại để anh ấy luôn có tiền trong túi, đủ mua xăng, đủ cà phê cà pháo, thậm chí có lúc đủ khao bạn bè nhậu nhẹt, nhưng mà còn lâu mới dư đồng nào cho gái nhé.
Em quán triệt quan điểm, chỉ có tiền một đi không trở lại, còn chồng mình có đi đâu làm gì rồi cũng sẽ quay lại với mình. Mình là người đang nắm “con tin” là hai đứa nhỏ, trong đó có một đứa là cháu đích tôn mà, phần thắng lúc nào chẳng trong tay mình. Thế là, chồng em muốn đi đâu làm gì đều phải bàn bạc với vợ nhé.
Nhưng mà mọi việc trong gia đình em lo hết, thì em cũng phải quản tiền của chồng để còn có kế hoạch, để biết đường định liệu chứ. Mà em có phụ thuộc vào tiền của chồng em đâu, em cũng nai lưng ra kiếm tiền, thậm chí còn kiếm được nhiều hơn anh ấy. Của đáng tội, nhiều lúc việc nhà việc cơ quan, đầu óc lúc nào cũng phải căng ra tính toán, mệt ơi là mệt. Nhưng nếu không quản, để tiền vào tay các ông, nào biết chuyện gì sẽ xảy ra, rồi mình đi theo giải quyết hậu quả cũng quá tội.
Em lại không yêu cầu chồng đưa đủ tiền lương hằng tháng, vì kiểu thu nhập bất thường của ông ấy, có khi tiền lương chẳng bằng số lẻ tiền này tiền nọ. Tối nào em cũng lục ví, có lúc công khai trước mắt chồng, có lúc lén lút sau lưng. Đầu tiên thì ngày nào ví dày, em mới rút một ít. Sau dần thì đã lục ví là phải rút tiền, không rút không chịu được.
Thế là ngày nhiều tiền em rút nhiều, ngày ít tiền em rút ít. Thế mà tích tiểu thành đại, chỉ rút ví tiền là đủ chi tiêu, em hầu như chẳng phải quan tâm tới ngày nhận lương làm gì. Giờ em rút ví thành kỹ năng rồi. Đầu tiên em nhìn qua các ngăn ngoài, sau đó em mở ngăn có khóa kéo. Tiền chẵn nằm trong đó hết. Chẳng biết ông chồng em để tiền vào đó cho gọn hay để giấu vợ, nhưng mà một khi tiền đã trong ví, thì chỗ nào em chẳng tìm ra.
* Anh thấy cái kiểu chú cun cút đưa tiền cho người yêu thế là không ổn rồi, lộ rõ vẻ là người không có “chuyên môn”. Giờ còn chưa cưới mà phụ nữ đã có thói quen cầm tiền của mình thì sau này về sống với nhau họ chẳng bao giờ để mình “cầm trịch”. Chú cứ đưa tiền cho cô ấy, nhưng đừng bao giờ đưa hết, đừng để mình phải phụ thuộc tài chính.
Chú cứ tự giác đưa để cô ấy không phải giục giã, không phải hỏi lương, và để cô ấy có cảm giác “có bao nhiêu tiền anh đưa hết cho em rồi”. Những người phụ nữ trong gia đình chúng ta, họ đáng yêu vì họ ngây thơ như thế, họ tin rằng ta đưa tiền cho họ là ta tôn vinh quyền thống soái của họ, là ta nằm trong tay họ rồi, là ta chính là đứa con lớn tuổi.
Nhưng cuộc sống của ta đâu chỉ có họ. Ta có bạn bè và cà phê buổi sáng, nhậu nhẹt buổi trưa, tụ tập buổi tối. Nếu không có vài người đẹp cuộc sống có hương sắc thì có lúc ta cân đối thu nhập trong vài trò cá cược hay chơi bài. Cũng là vì ta không muốn cuộc sống trở nên đơn điệu mà thôi. Vì thế, ta phải có quyền nhất định đối với tài chính của ta, và có vài kĩ năng để làm diễn viên trước mặt vợ.
Trò giấu tiền trong ngăn có khóa đó xưa như trái đất rồi. Lần nào nhìn thấy vợ mở ngăn có khóa, anh cũng buồn cười. Anh vẫn để tiền trong đó cho cô ấy khỏi nghi ngờ, và nhìn vẻ mặt hí hửng vì rút được vài ba triệu đồng cứ như bao mưa gió bão bùng đã tan đâu mất. Giờ đây, đàn ông ở cơ quan anh mỗi người có một ngăn tủ riêng tại phòng làm việc, và trong ngăn tủ riêng đó có một ngân hàng riêng của mình.
Dĩ nhiên trò này chỉ hiệu quả đối với những người vợ không bao giờ tới cơ quan chồng. Nhưng mà, kể ra nhìn mặt vợ tươi roi rói mỗi khi “kiểm soát” ví chồng, cũng là những khoảnh khắc vui ít ỏi giữa những lần phải đối phó.
luyến đã bình luận
việc này khó lắm,