Không phải lứa tuổi nào tập võ cũng có kết quả tốt cả về mặt thể lực và tâm lý, bởi võ là bộ môn có kỷ luật nghiêm ngặt, đòi hỏi sự tự giác cao. Các chuyên gia y tế cho rằng, bán cầu não độ tuổi từ 12 – 15 phát triển rất tốt và 12 tuổi tập võ là thích hợp nhất vì trẻ đã có đủ nhận thức, cơ thể đang phát triển mạnh. Nếu trẻ quá ít tuổi, năng lực chưa đạt yêu cầu cần thiết trẻ sẽ mất nhiều thời gian luyện tập để nắm bắt các kỹ thuật võ thuật.
Làm quen võ thuật khi trẻ lên 10
Một điều cha mẹ cần lưu ý khi cho con tập võ là trẻ phải vận động phát lực, phải va chạm với đồng môn, mặt đất, thảm tập…Nên khi mới tập võ thuật, trẻ dễ bị đau khớp háng do gân, cơ căng. Ngoài ra còn hay bị tổn thương chi trên, chi dưới, chấn thương vùng khuỷu, bị gãy sụn tiếp hợp. Do đó, cần nhắc trẻ chú ý luyện bài khởi động tốt, tránh đùa giỡn quá mức để hạn chế các tổn thương xảy ra khi không có người lớn trông coi. (Võ sư Nguyễn Thanh Thạch)
Theo BS Nguyễn Văn Phú, BV Thể thao Việt Nam, tập võ sẽ giúp tăng trưởng chiều cao, cải thiện thể lực. Lứa tuổi thiếu niên sụn tiếp hợp còn dẻo, nếu tập võ ở độ tuổi này, các sụn tiếp hợp trong hệ thống xương của cơ thể chưa bị hóa cốt rất tốt cho tăng trưởng chiều cao.
BS Nguyễn Kiểm (Trung tâm Y tế sức khỏe Quang Hồng) cũng cho rằng, trẻ tập võ hợp lý nhất là khi có thể tiếp thu, ghi nhớ tập theo đúng các thế võ do thầy hướng dẫn. Để thực hiện được điều đó đòi hỏi trẻ có thể nhận biết các kỹ năng bắt chước, thuộc bài, đi đứng vững vàng…
Các chuyên gia y tế cho rằng, bán cầu não độ tuổi từ 12 – 15 phát triển rất tốt và 12 tuổi tập võ là thích hợp nhất vì trẻ đã có đủ nhận thức, cơ thể đang phát triển mạnh. Nếu trẻ quá ít tuổi, năng lực chưa đạt yêu cầu cần thiết trẻ sẽ mất nhiều thời gian luyện tập để nắm bắt các kỹ thuật võ thuật.
Giải thích về việc một số trẻ 4 – 5 tuổi đã học võ và thuộc nhuyễn các bài quyền, cước, đòn thế phát lực rất tốt, BS Nguyễn Kiểm cho rằng, đó chỉ là những trường hợp đặc biệt. Vì độ tuổi này trẻ chưa hình thành ý thức về kỷ luật. 6 tuổi trẻ mới chỉ tiếp cận với quá trình chuyển tiếp, có thể bắt chước các động tác võ thuật.
Nhưng để có tính tự giác thì phải 8 – 10 tuổi, thầy dạy trẻ hiểu nhưng vẫn chưa phù hợp và chỉ nên dạy những động tác rèn luyện thân thể, học cách dùng sức lực vừa tầm, không quá sức. 12 tuổi, hệ xương phát triển cứng cáp hơn để tránh những tai nạn, dị tật đáng tiếc có thể xảy ra; trẻ cũng tiếp thu được những kỹ thuật khó, có thể theo môn phái riêng.
Nên học võ nào?
Trẻ trai thích các môn võ đối kháng Judo, Karate, Teakwondo, Nhất Nam… vì sự linh hoạt, kỹ thuật và sức mạnh. Trẻ gái thường học nhu đạo như Thái cực, Aikido. Theo đó, Karate, Teakwondo làm trẻ quen đá nhanh, mạnh nên dáng đi sẽ cứng rắn, mạnh mẽ. Các môn nhu quyền, nhất là Aikido sẽ không làm tay, chân bị gân guốc, không ảnh hưởng tới dáng đi, còn giúp người tập phát huy trí thông minh, sự nhanh nhẹn…
Theo võ sư Nguyễn Thanh Thạch, Chủ nhiệm CLB Akido Thủ Đức và Akido Phương Đông (Trung tâm TDTT quận Thủ Đức, TP HCM), môn võ nào cũng hướng con người tốt hơn, không phải môn võ này trầm tính hơn môn võ kia. Tất cả còn tuỳ người dạy và sự tiếp thu của võ sinh. Ai tập võ cũng điều chỉnh được khí huyết lưu thông, có hơi thở sâu và đều hơn người bình thường. Học võ đúng bài bản, phương pháp thì rất tốt.
Bản tính nhân hậu mà gặp thầy tốt thì sẽ rất tốt. Nhưng đôi khi võ sư truyền dạy cũng còn bạo lực hoặc tham – sân – si, không cẩn thận tính hiếu thắng sẽ tăng lên (mà hiếu thắng, kết hợp chút võ thì rất tai hại). Tập võ ngoài rèn thể lực, cần chú trọng bồi dưỡng nhân cách của trẻ, dạy trẻ học “lễ” và đạo đức để khám phá và chiến thắng bản thân.
Riêng với môn võ Aikido là trường phái ít dùng sức, khi bị tấn công chỉ cần dùng lực nhẹ đẩy trả lực mạnh trở về đối thủ là thắng. Tuổi học trò hiếu động hay bị ngã, Aikido giúp trẻ đứng dậy tốt và không bị chấn thương. Nhưng Aikido đòi hỏi trẻ phải tập luyện tốt, quen dần với những cái đau ở cổ tay, các huyệt ở bàn tay và có kỹ năng hoá giải khi bị tấn công, kỹ thuật tự vệ khi bị túm tay…
Nếu bị cận thị, hoặc tập võ để giảm cân phải báo cho võ sư dạy để có chương trình huấn luyện phù hợp. Chẳng hạn như trẻ bị cận thị nên tập Teakwondo vì Teakwondo thường dùng chân đá, ít phải áp sát. Nếu trẻ háo thắng, dễ bị kích động… cần tập yoga, thiền, khí công sẽ tốt cho cả tinh thần lẫn sức khỏe.
Môn võ nào cũng cần phải dùng sức và hệ xương khớp của trẻ chịu ảnh hưởng lớn của vận động thể dục thể thao. Trẻ nhỏ quá phụ huynh nên cho con tập thể dục – thể thao tốt hơn mà vẫn kích thích phát triển chiều cao. Các em nữ thì học mềm dẻo như thể dục dụng cụ, xà đơn kép, múa hoặc những môn tăng cường sự khéo tay, dai sức như chạy, bơi, xe đạp, bóng ném hơn là các môn va chạm mạnh. Trẻ nhỏ càng không nên chơi tạ để tránh bị lùn.