Có một điều gần như là chắc chắn rằng nhiều mẹ đã từng phải đau đầu vì nhiều lần nhắc con mình dọn đồ chơi hay quét nhà mà chúng chỉ mải dán mắt vào tivi hay cùng lắm là chỉ làm được một phần mười công việc được giao.
Vậy làm thế nào để những đứa trẻ “lười nhác” đó có thể làm việc nhà mà không một lời phàn nàn?
Ý nghĩa của những công việc nhỏ cho con
Những công việc nhỏ trong gia đình đều có ý nghĩa đối với trẻ. Ngoài những nhu cầu về tình cảm, tình yêu thương và sự quan tâm của bố mẹ, những đứa trẻ cũng muốn chúng là những người có ích với gia đình và bạn bè.
Vì vậy, những việc nhỏ có tác dụng:
- Khiến trẻ cảm giác mình có thẩm quyền.
- Cho trẻ hiểu những việc cần có trong một gia đình.
- Tạo cho trẻ những thói quen tốt về thái độ đối với công việc.
- Dạy cho trẻ kỹ năng thực tế và bài học quý giá về cuộc sống, giảm bớt quá trình rèn luyện lúc trưởng thành.
Việc thiếu trách nhiệm đối với các công việc nhỏ sẽ ảnh hưởng đến hành vi của trẻ lúc lớn. Trong một nghiên cứu nhiều năm liền ở các trường đại học, trong số sinh viên bỏ học thì nhóm sinh viên được bố mẹ thanh toán cho mọi khoản chi phí theo nhu cầu của con là nhóm có nguy cơ cao nhất. Đối với chúng, ngay cả việc bỏ học cũng có nghĩa là “chưa có gì để mất” trong khi bố mẹ thì đau khổ: chúng tôi đã làm tất cả vì chúng mà chúng không thèm nghe tôi đến một lời.
Việc vặt trong nhà – những sai lầm phổ biến của cha mẹ
Có lẽ bạn đã từng nhiều lần sai con mình làm vài việc và đã thua cuộc, hoặc bạn chưa dám giao cho con khi cảm thấy chúng chưa đủ lớn để làm các công việc đó. Có rất nhiều sai lầm mà phụ huynh vẫn thường mắc phải.
Nhiều bậc cha mẹ đòi hỏi hoàn hảo ngay từ đầu. Điều này sẽ trì hoãn giao việc nhà cho các bé. Khi thấy bé lau gương còn vài vết bẩn, cất đồ chơi còn chưa gọn, nhiều mẹ lại nghĩ rằng: “Làm như thế thì thà mình làm vài phút cho xong” và từ lần sau không cho con làm nữa. Trẻ con có thể làm được nhiều việc hơn chúng ta nghĩ, từ việc quét nhà, tưới cây, phơi cất quần áo hay rửa bát, lau dọn bếp… nhưng vẫn chưa thể giao cho chúng “lúc này”. Vấn đề “lúc này” là lúc nào?
Bố mẹ đã không ca ngợi hay khuyến khích con cái trừ khi chúng làm được trọn vẹn như bố mẹ mong đợi là một sai lầm phổ biến. Vì sau mỗi lần cảm thấy không được việc, chúng sẽ dần đẩy các việc nhà cho người khác làm.
Một số gợi ý để giao việc nhà cho con hiệu quả
Các bạn sẽ thấy kết quả không ngờ tới khi nói với con rằng: “Bố mẹ cần sự giúp đỡ của (các) con”. Trẻ em có nhiều khả năng để giúp đỡ gia đình và chúng cũng rất có trách nhiệm, nhất là khi chúng nhận thấy những yêu cầu của cha mẹ không phải là áp đặt. Tuy nhiên, trẻ con vẫn là trẻ con, chúng luôn hiếu động và hay quên việc. Nhưng hãy kiên nhẫn nhắc nhở chứ đừng trách móc cho đến khi chúng hình thành thói quen tốt.
Cũng có những gia đình sử dụng danh sách công việc nhà và bàn giao trách nhiệm cho các thành viên một cách công bằng. Hãy để cho những đứa trẻ lựa chọn những việc chúng ưa thích nhất, hoặc ngược lại là gạch bỏ những việc chúng ghét nhất. Nhưng hãy đảm bảo việc đó là trong tầm kiểm soát của chúng, một đứa trẻ 6 tuổi có thể lau sạch bếp gas nhưng không thể để nó đun nấu trên ngọn lửa gas đầy nguy hiểm bạn nhé!
Bạn có thể tạo một biểu đồ với ba cột: Danh sách công việc, thời hạn kết thúc, và cột ghi chú đã hoàn tất hay chưa. Bên dưới danh sách công việc có thể là chia làm hai loại, việc hàng ngày và việc hàng tuần.
Cung cấp thời hạn dài: Điều này đảm bảo “mọi người” vẫn thoải mái làm việc cá nhân và hoàn thành nhiệm vụ lúc rảnh rỗi. Tuy nhiên cũng cần phải có sự cam kết và điều kiện đảm bảo. Ví dụ như mẹ bạn Linh yêu cầu bạn Linh phải rửa sạch bát đĩa buổi trưa cho đến lúc 14h để còn học bài. Nếu đến chiều mà bát đĩa chưa được rửa thì mẹ Linh sẽ không thể rửa rau vo gạo được nữa và cả nhà chắc chắn phải nhịn đói hoặc ăn tạm mì tôm.
Giao việc cụ thể: Với nội dung “dọn phòng của con” thực sự mơ hồ và có thể được ngụy biện theo nhiều cách. Thay vào đó, bạn nên ghi rõ ràng bằng những hành vi cụ thể như: “Cất quần áo vào trong tủ, đặt sách lên kệ, cất hết đồ chơi vào trong rỏ…” thì sẽ hiệu quả hơn.
Bàn giao công việc một cách nhẹ nhàng: Chỉ bảo con bạn từng bước nhưng đừng bảo con sẽ làm như thế, mà nói cách mẹ làm là thế. Sau đó, để con giúp vài ba khâu. Để con làm thử và giám sát. Một khi con bạn đã chuyên nghiệp, hãy yên tâm để cô/cậu bé tự thể hiện nào!
Khen ngợi thường xuyên: Đặc biệt là với trẻ nhỏ, đừng chờ đợi cho đến khi công việc được hoàn tất để ca ngợi và khoe một anh hùng từ trong nhà ra ngoài ngõ, hãy đem lại nguồn cổ vũ cho một đứa trẻ và chỉ cần thế mà thôi.
Gợi nhớ một cách dễ dàng: Ví dụ như đưa ra điều kiện: “Nếu con Pốp không được Bông cho ăn thì chính Bông cũng phải nhịn”.
Những công việc phù hợp với các lứa tuổi
Làm thế nào để biết được con bạn phù hợp với công việc nào. Con bạn có thể đặt cái thìa dọc bên phải được hay không khi chưa được học đâu là trái phải? Tuy nhiên, các bậc phụ huynh thường đánh giá sai khả năng của con vì chúng có thể làm được nhiều hơn bạn nghĩ. Một đứa trẻ có thể chủ động xem youtube trên Ipad của bố mẹ thì cũng dễ dàng vận hành cái máy giặt dù chúng chả cần biết “Start” tiếng Anh là gì đâu nhé!
Dưới đây là danh sách để các bạn tham khảo:
– Trẻ từ 2-3 tuổi: Cất đồ chơi, đổ thức ăn cho chó mèo, cất quần áo vào tủ, lau vết bụi, cất sách báo đúng quy định.
– Trẻ từ 4-5 tuổi: Bất kỳ công việc nào kể trên, cộng thêm:đi lấy thư và báo, lau bàn, nhổ cỏ dại, nhặt và vứt rác bẩn đúng chỗ, tưới cây.
– Trẻ từ 6-7 tuổi: Bất kỳ công việc nào kể trên, cộng thêm: sắp xếp đồ giặt, quét nhà, sắp xếp và lau dọn bàn, quét lá ngoài vườn, giữ phòng ngủ gọn gàng.
– Trẻ từ 8-9 tuổi: Bất kỳ công việc nào kể trên, cộng thêm: vận hành máy giặt, đi mua đồ lặt vặt, quét và lau nhà, phụ giúp mẹ làm bữa tối, lau bàn sau bữa ăn, dắt chó mèo đi dạo.
– Trẻ từ 10 tuổi trở lên: Bất kỳ công việc nào kể trên, cộng thêm: Giặt quần áo, kỳ cọ phòng tắm, lau cửa sổ, lau bếp và phòng ăn, phụ rửa xe, trông em (khi có người lớn trong nhà), khâu cúc áo (con gái), tự bố trí giường ngủ, làm những món ăn đơn giản.