Hóc thức ăn là hiện tượng khá thường gặp ở trẻ. Nếu trẻ bị hóc mà không được phát hiện và xử trí kịp thời sẽ để lại nhiều hậu quả đáng tiếc. Ví dụ như khi trẻ bị hóc đậu phộng da cá sẽ dễ bị viêm phổi vì trong đậu có chứa dầu, dầu này sẽ khuếch tán ra phổi, nếu không được điều trị dễ khiến trẻ bị sốt cao, ói ra mủ, nhiễm trùng huyết dẫn đến tử vong.
Nguyên nhân gây nghẹt thở vì hóc ở trẻ
– Do kích thước, hình dạng, độ trơn của thức ăn.
– Trẻ nhỏ do chưa ý thức được sự nguy hiểm, lại hay tò mò nên hay cho vật lạ vào miệng.
– Hầu như người lớn khi phát hiện trẻ cho thức ăn, vỏ hạt vào miệng, thường hay hét lên và đưa tay vào miệng bé cố móc vỏ hạt ra. Hành động này khiến bé hoảng sợ mà nuốt chửng vỏ, hạt vào họng. Việc cố móc vỏ, hạt của người lớn càng làm tăng nguy cơ vỏ, hạt rơi vào đường phổi của bé hơn.
– Bên cạnh đó, việc cho trẻ ăn chưa đúng cách như bóp mũi trẻ khi cho trẻ ăn cũng là nguyên nhân gây nên nghẹt thở do bị hóc ở trẻ.
Những thực phẩm dễ khiến trẻ bị hóc
– Những thực phẩm trơn: thạch, nhãn, vải, bơ (đặc biệt là bơ lạc)…
– Những thực phẩm dạng hình tròn, hình trụ: bỏng ngô, nho, nho khô, xúc xích…
– Các loại hạt, vỏ hạt: đậu, đậu phộng, hạt hướng dương, hạt bí, hạt na, hạt hồng xiêm…
– Các loại kẹo cứng, kẹo dẻo hay chewing gum…
Đề phòng trẻ bị nghẹt thở do hóc
Theo Viện Hàn Lâm Nhi đồng Hoa Kỳ, nghẹt vì hóc là một trong số những nguyên nhân gây tử vong ở trẻ, đặc biệt là với trẻ 3 tuổi hoặc dưới 3 tuổi và cứ năm ngày có ít nhất một trẻ chết do nghẹt vì hóc ở Mỹ. Vì vậy, việc đề phòng rủi ro cho trẻ là việc rất quan trọng.
– Cắt xúc xích hay quả nho thành một phần tư để tránh hình tròn, bởi thức ăn hình tròn dễ trôi tuột vào trong họng trẻ gây nguy hiểm khi trẻ ăn.
– Tránh cho trẻ ăn những thức ăn tiềm ẩn nguy cơ hóc đối với trẻ như: Các loại kẹo cứng, các loại hạt đậu, miếng cà rốt…
– Chỉ cho bé ăn hạt sau khi đã được bóc vỏ, làm mềm.
– Với nhãn, vải, tuyệt đối không bóc vỏ rồi đưa cả quả cho bé vì khi đó trái cây trơn, tròn rất dễ trôi nhanh vào họng khiến trẻ bị hóc.
– Không ép bé ăn bằng cách bóp mũi, khiến trẻ phải há miệng thở trong khi thức ăn còn đầy trong miệng, rất dễ gây sặc, nghẹt thở.
– Riêng với thạch, ở trẻ dưới 5 tuổi, khi mà phản xạ đường thở chưa hoàn thiện rất dễ hóc, tuyệt đối không nên cho ăn thạch. Nếu cho con ăn, không nên cho bé cầm cả cái thạch mà nên dùng thìa dằm nhỏ cho vào bát, cốc… trước khi cho trẻ ăn.
– Không để các loại thực phẩm có nguy cơ trong tầm với của trẻ.
– Tuyệt đối không để trẻ chạy nhảy, nô đùa hay nằm xuống khi đang ăn.
Xử trí khi trẻ bị hóc
– Nếu thấy bé có biểu hiện sặc, ho thì không nên dùng tay cố móc ra mà nên bình tĩnh để xử lý:
– Vuốt và vỗ nhẹ sau lưng bé giúp bé dễ thở.
– Nếu bé vẫn còn khó thở thì nên áp dụng phương pháp vỗ lưng (đặt nạn nhân nằm sấp, đầu thấp xuống trên cánh tay của người ứng cứu, dùng lòng bàn tay còn lại vỗ lưng 5 cái thật mạnh và nhanh ngay vùng giữa hai xương bả vai), ấn ngực (lật ngửa bé lại, dùng 2 ngón tay ấn ngực bé 5 cái). Tiếp tục thực hiện qui trình trên 5-6 lần cho đến khi bé dễ thở).
– Khi đã sơ cứu để lấy thức ăn ra hoặc nạn nhân đã thở lại được, nên chuyển ngay trẻ đến bệnh viện để bác sĩ có hướng xử trí hóc, sặc triệt để hơn.
– Trong trường hợp áp dụng các biện pháp trên mà bé vẫn không có dấu hiệu tiến triển theo hướng tích cực, thì nên đưa bé đi cấp cứu gấp để được các chuyên gia y tế điều trị tức thời theo hướng tốt nhất.