Từ cơ quan phóng về nhà để tranh thủ lo bữa cơm tối, mẹ tránh chiếc xe ngược chiều ở khúc quanh gần chợ nên thắng gấp. Chiếc xe tay ga nặng trịch ngã đè lên chân mẹ, không ngờ phải bó bột, có lẽ mất cả tháng trời. Ngồi trên taxi với ba từ bệnh viện về mà mẹ cứ luôn miệng hỏi hai con đã ăn gì chưa, con gái lớn có kịp đi học thêm không, con trai nhỏ đã tắm rửa chưa khiến ba phát cáu: “Tụi nó có còn ẵm bồng đâu…”.

Con trai đi học về, tự giác tắm gội, gom quần áo của cả nhà cho vào máy giặt, dù không biết phân loại đồ trắng đồ màu, vải dày, vải mỏng nhưng đã được mẹ cứu nguy kịp thời. Khi lên lầu phơi đồ, bắt gặp cái vườn hoa tí hon ở ban công mà năm thì mười họa mẹ mới có thời gian chăm sóc, con trai hì hục tưới nước, đào xới trồng thêm củ hành, củ nghệ cho vui. Con còn xịt nước vệ sinh luôn cái ban công, tiện tay lấy chổi quơ mạng nhện. Từ hôm mẹ ngồi một chỗ, con bỏ bớt thú vui đá bóng với bạn bè trong xóm và tìm cách đốt năng lượng vào những việc trong nhà. Thỉnh thoảng con còn giành với ba dìu mẹ vào nhà tắm khiến mẹ cứ lâng lâng khi được nép vào “chàng trai” cao một mét sáu lăm của mình.
Con gái sau những ngày “đánh vật” với nồi niêu xoong chảo, nhờ siêng lên mạng học các mẹo vặt kết hợp với sự cố vấn của mẹ, đã tiến bộ thấy rõ. Con còn hứng chí làm các món tráng miệng như sữa chua hay bánh flan đãi cả nhà khiến ba cứ trêu sau khi tháo bột, đầu bếp chính là mẹ có thể bị sa thải.
Nhìn hai con chật vật tự phục vụ bản thân và xoay xở những việc nhỏ trong nhà, mẹ nhận ra mình sai lầm khi trước giờ đã thương con theo kiểu “bao cấp”. Ngộ nhỡ có gì trầm trọng hơn là gãy chân xảy đến với mẹ, hai con sẽ ra sao? Từ nay mẹ sẽ xem xét lại quyền “được lớn” của các con…