Đây là hiện tượng thường xuất hiện nhiều trong những tháng đầu của thai kỳ, nó khiến bạn cảm thấy khó chịu và muốn nôn ói.
Tại sao lại có hiện tượng này?
Tiết nhiều nước bọt còn gọi là chứng ứa nước bọt – một trong những dấu hiệu của ốm nghén. Các chuyên gia vẫn chưa biết nguyên nhân nào gây nên hiện tượng này ở đầu thai kỳ nhưng sự thay đổi hormone được coi là yếu tố chính. Ngoài ra, cơn nghén khiến một số thai phụ khó nuốt hơn, kết quả, nước bọt bị ứ lại trong miệng.
Bình thường, tuyến nước bọt sản xuất khoảng 1,5l nước bọt mỗi ngày nhưng do cơ chế nuốt xảy ra liên tục và tự động nên bạn không nhận biết được. Vì thế, nếu đột nhiên có nhiều nước bọt thì có thể do nước bọt được sản xuất nhiều hơn hoặc do bạn nuốt ít đi. Cũng có khi là do cả hai.
Tăng tiết nước bọt còn liên quan đến chứng ợ nóng – hiện tượng khá phổ biến trong thai kỳ. Axit trong dạ dày có thể trào ngược lên thực quản và gây nên ợ nóng. Axit này còn kích thích tuyến nước bọt sản xuất nhiều nước bọt. Nước bọt giống như chất kiềm để trung hòa axit trong thực quản.
Khói thuốc lá cũng là nguyên nhân làm tăng tiết nước bọt vì khói thuốc có thể gây sâu răng và nhiễm trùng khoang miệng. Những yếu tố khác liên quan đến tiết nước bọt nhiều là dùng thuốc, tiếp xúc với độc chất như thủy ngân, thuốc trừ sâu…
Tiết nước bọt nhiều khiến thai phụ hơi khó chịu nhưng lại không gây hại. Chức năng chính của nước bọt là giúp tiêu hóa thức ăn. Nó còn chứa nhiều protein, có tác dụng chống virus, vi khuẩn, chống nấm, bảo vệ sức khỏe răng miệng.
Làm gì nếu miệng tiết quá nhiều nước bọt?
Nếu chứng ứa nước bọt này liên quan tới những rắc rối trong quá trình mang thai như buồn nôn, nôn ói, ợ nóng thì bạn nên liên lạc với bác sỹ chăm sóc của mình để được tư vấn cách giảm thiểu ảnh hưởng.
– Bạn cũng nên bỏ thuốc lá nếu bạn là người nghiện hút thuốc.
– Đánh răng thường xuyên và dùng nước rửa miệng hàng ngày.
– Ăn thường xuyên, ăn những bữa nhỏ, bữa ăn cân bằng dưỡng chất, tránh những thức ăn thừa tinh bột.
– Uống nhiều nước, luôn giữ bên mình một chai nước mà thường xuyên uống thành ngụm nhỏ.
– Ăn kẹo cao su hoặc kẹo rắn nhưng tránh kẹo chua. Nó càng làm cho bạn tiết nước bọt nhiều hơn.
– Nếu có thể, bạn nên nuốt nước bọt khi bạn tạo ra nó. Tuy nhiên, nếu bạn cảm thấy buồn nôn khi phải nuốt nó, hãy nhổ nó ra.
Đối với rất nhiều phụ nữ, chứng ứa nước bọt này thường kết thúc vào quý I của thai kỳ. Nhưng với một số phụ nữ khác, nó cũng có thể kéo dài xuyên suốt cả thai kỳ.