Tâm lý thành tích vẫn còn nặng, nhiều bậc phụ huynh vẫn giữ thói quen “khảo” con về điểm số mỗi ngày, mỗi tuần. “Hôm nay con được mấy điểm?”, “Bài kiểm tra vừa rồi được bao nhiêu?”…. là những câu hỏi cửa miệng của họ. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết xử lý cho phù hợp với tâm lý lứa tuổi, cá tính của con.
Nhiều bậc cha mẹ không biết rằng, đôi khi câu hỏi về điểm số vô tình trở thành gánh nặng của con mình. Những mâu thuẫn, bất hòa trong gia đình cũng từ đây mà xuất hiện.
Có lúc, những cuộc nói chuyện về điểm số trở thành nỗi ám ảnh đối với đứa trẻ, đồng thời tạo hố sâu ngăn cách giữa cha mẹ – con cái, dần dần trở thành nguyên nhân gây bất hòa trong gia đình.
Theo TS Nguyễn Lệ Hằng – GĐ Trung tâm Phát triển tâm lý trẻ em và Kỹ năng sư phạm gia đình (TES.T), con cái bị điểm kém khiến cha mẹ đau đầu là một trong những câu chuyện hết sức phổ biến trong các gia đình Việt hiện đại. Rất nhiều khách hàng của TES.T đã chia sẻ những tình huống thực tế khi con bị điểm kém, mà qua đó, bộc lộ những vấn đề tâm lý “khó chữa” trong giữa cha mẹ và con cái.
Bố mẹ áp đặt, con cái “toát mồ hôi”
Là một chuyên gia đầu ngành về kỹ thuật, anh Nguyễn Quang (An Dương Vương – Hà Nội) luôn đặt ra những yêu cầu khắt khe cho con cái trong việc học hành. Không cần biết con gặp vấn đề gì, con phải nỗ lực ra sao, đối với anh Quang, điểm số là điều tiên quyết đánh giá lực học và khả năng của con.
TS Hằng kể lại: “Trong một hoạt động tâm lý của Trung tâm, bố con anh Quang được yêu cầu diễn đạt lại tình huống khi con bị điểm kém. Dù chỉ là “đóng vai”, nhưng con gái lớp 11 của anh Quang vẫn căng thẳng đến toát mồ hôi khi đối mặt với bố. Cô bé tỏ ra lúng túng, thậm chí là sợ run khi phải báo cáo với bố về điểm 7 môn Hóa học. Ngay sau khi lấy hết can đảm nói về điểm số, cô bé nhận được thái độ không hài lòng ra mặt của bố.
“Tại sao lại được 7? Bố đã nói con không được để điểm các môn dưới 8 điểm? Tại sao con không nói với bố để bố xử lý kịp thời? Con như thế này là bố không bằng lòng!” – đó là tất cả những gì anh nói với con.
Những câu nói của anh đã đẩy cuộc nói chuyện thành một cuộc “tra vấn” trong đó, con gái anh dường như “mắc tội” vì điểm 7 không đạt yêu cầu mà bố đã đặt ra.
Con bất cần, bố mẹ lúng túng
TS Nguyễn Lệ Hằng cho biết, cũng tình huống con bị điểm kém nhưng nhiều ông bố, bà mẹ lại dở mếu dở cười khi con cãi “ngang”, hoặc con tỏ ra ương bướng, bất cần khi cha mẹ hỏi chuyện. Ít bố mẹ đủ kiên nhẫn và nhạy cảm để nhận ra, ẩn giấu sau sự bất cần, bướng bỉnh đó là những mâu thuẫn, khúc mắc không phức tạp trong sự phát triển tâm lý ở trẻ.
“Có cậu học sinh khi phải giải trình với bố về điểm 2 môn toán vẫn thờ ơ như không. Bố càng gặng hỏi, con càng tỉnh bơ chống chế lại. Thay vì đưa ra lý do vì sao bị điểm kém, cậu bé dõng dạc biện minh “Cả lớp bị điểm kém chứ mình con đâu!” – TS Nguyễn Lệ Hằng kể.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Kim – (Lạc Long Quân, HN) kể, chuyện hỏi han điểm số của chị với con cứ như “đánh đố” nhau.
“Hầu như cháu chỉ cho bố mẹ xem những bài được điểm khá, tốt từ 6, 7 trở lên. Còn nếu điểm dưới trung bình, trừ khi cô giáo nhắn tin, gọi điện đến thông báo thì tôi mới biết vì cháu thường giấu kỹ. Vì thế mỗi lần thấy con ậm ừ là tôi lại phải tìm cách để con chịu nói ra điểm thật. Nhưng hễ mẹ hỏi đến mà bị lộ, thì lần nào con bé cũng gân cổ lên bảo “lớp con ai cũng chỉ thế, cao nhất là điểm 5, 6…”. Cháu không bao giờ chịu nhận lỗi hay chịu nói một câu lần sau sẽ cố gắng hơn. Vì chuyện này mà không ít lần tôi phạt, mắng cháu thật nặng. Nhưng rồi đâu lại vào đấy!”
Theo TS Nguyễn Lệ Hằng, đây cuộc chuyện điển hình sẽ dẫn đến ngõ cụt bởi hai cách thể hiện của bố mẹ và con là không ai chịu ai, không ai nghe ai. Dạng nói chuyện kiểu “hỏi xoáy đáp xoay” như thế này sẽ không có lời kết. Nếu có kết thúc, thì câu chuyện lại trở thành rao giảng đạo đức một cách gượng ép.