Vật liệu kính ngày càng được sử dụng rộng rãi trong các công trình kiến trúc, vừa làm tăng mỹ quan cho công trình, đồng thời cũng là một trong những phương án tăng hiệu quả sử dụng ánh sáng mặt trời. Rất nhiều dự án hiện nay được các chủ đầu tư ưu tiên làm toàn bộ kính phía ngoài, đặc biệt là các công trình cao tầng, chung cư… Tuy nhiên nhà kính có thật sự tốt cho sức khỏe?
Bị thần kinh vì ánh sáng!
Ở Hồng Kông có rất nhiều chung cư cao tầng đối diện với những bảng quảng cáo điện tử ở các cao ốc thương mại, nhưng bảng quảng cáo này quá lớn, chúng phát ra những luồng ánh sáng rất mạnh tới hàng ngàn lux, trong khi ánh sáng bình thường cho mắt người khoảng 400 – 500 lux. Những luồng sáng không chỉ mạnh mà lại luôn chớp tắt, màu sắc xanh đỏ vàng thay đổi rất chói chang làm cho những người sống đối diện không thể chịu đựng nổi. Họ bị rơi vào tình trạng mất ngủ triền miên, đau đầu, trầm cảm, nhất là những người già, trẻ em, phụ nữ có thai, người yếu thần kinh và những người phải làm việc trí óc. Khi mới mua nhà họ thường chọn những căn ở tầng cao, những tưởng để có thể ngắm nhìn thành phố, nhưng nay để tránh ánh sáng phải đóng cửa kéo rèm che kín mít giống như sống trong những cái hộp đen thui rất phản cảm. Nhiều người phải bán nhà chuyển đi nơi khác, nhưng giá bán lại không bằng khởi điểm vì bị mất giá trong thời buổi khủng hoảng kinh tế.
Hiện tượng ô nhiễm ánh sáng ngày nay đã trở nên rất phổ biến ở những thành phố dịch vụ như Macau, Hong Kong, Thâm Quyến, Singapore… buộc chính quyền nhiều thành phố phải ra quy định hạn chế bớt các biển quảng cáo quá to, quá sáng và giảm thời gian hoạt động.
Ở góc độ vật lý, ánh sáng phản xạ từ các toà nhà bọc kính ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Một số chuyên gia gọi là Ngộ độc ánh sáng. Trên thế giới, ngộ độc ánh sáng được đưa vào danh mục quản lý nhà nước, nhưng tại Việt Nam, “căn bệnh” trên mới dừng ở mức khuyến cáo.
Sử dụng toàn kính liệu có khoa học?
Ở Hà Nội, dự án được bọc kính bề mặt đầu tiên có lẽ là khách sạn Deawoo trên đường Nguyễn Chí Thanh. Ở thời điểm trình làng, khách sạn 5 sao này được rất nhiều người quan tâm, ngưỡng mộ. Nhiều người đến nay vẫn chọn khách sạn này là nơi để chụp ảnh lưu niệm, ảnh cưới.
Sau biểu tượng Deawoo, một loạt cái tên nhà bọc kính xuất hiện như tòa nhà Keangnam, Grand Plaza, tòa nhà dầu khí… Thậm chí, nhiều công trình nhà ở của tư nhân khi xây dựng cũng bọc kính một số tầng.
Không chỉ ở Hà Nội, tại TP. Hồ Chí Minh, nhiều ngôi nhà bọc kính của xuất hiện. Trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 60 công trình sử dụng kính phản quang che phủ phần mặt tiền hoặc bọc toàn bộ mặt ngoài của khối công trình. Những tổ hợp kính màu xanh hay trắng này trông khá đẹp, mềm mại và có khả năng giảm tới 15% nhiệt lượng trong các toà nhà cao tầng.
Về mặt mỹ thuật, đúng là bọc kính nhà trông rất đẹp mắt. Ở góc độ kiến trúc, khi làm những tòa nhà bọc kính còn phô diễn được trình độ tay nghề của người thiết kế. Nhà kính, ở góc độ nào đó còn phù hợp với tiêu chí kiến trúc xanh mà thế giới đang hướng đến bởi việc tận dụng được ánh sáng trời và hạn chế phải sử dụng điện.
Đến nay, mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe con người của các tòa nhà có bề mặt làm toàn bộ bằng kính vẫn chưa được các nhà khoa học tính toán cụ thể. Có điều, nếu giữa trưa hè, hoặc khi trời nắng, mặt trời chiếu vào tòa nhà sẽ là một thử thách lớn đối với ai định “thi gan” nhìn trực diện vào các tòa nhà bằng kính.
Chị Trịnh Thị Loan, Tổng giám đốc một công ty chuyên về xuất khẩu chia sẻ, đúng là làm nhà kính rất có lợi vì tận dụng được tối đa ánh sáng trời, nhưng mức độ bắt nắng của người làm việc lâu trong những ngôi nhà này cũng rất lớn. “Mùa hè năm ngoái tôi chỉ làm việc trong phòng với toàn kính xung quanh mà còn bị bắt nắng hơn rất nhiều người đi lại ngoài trời”, chị Loan nói.
Không chỉ có việc bị đen đi một cách bất thường, theo chị Loan, nếu ngồi ở văn phòng nhìn ra ngoài thì có thể nhìn lâu, nhưng nếu tranh thủ đi đâu đó buổi trưa về nhìn vào tòa nhà thì chỉ được khoảng 5 phút là không thể chịu được vì hoa mắt, thậm chí đôi khi còn xuất hiện cảm giác chóng mặt.
Anh Trần Văn Hưng, một kiến trúc sư cho biết: Thiết kế nhà kính vừa khó vừa dễ đối với kiến trúc sư. Dễ vì kính sẽ làm nổi không gian nhưng khó là việc bố cục bên trong tòa nhà sao cho hợp lý. Khó nữa là hiện chưa đọc được tài liệu chứng minh các ánh sáng phản quang gây ra các biểu hiện liên quan đến thần kinh con người, có thể còn nhiều tài liệu chứng minh điều đó. Tuy nhiên, trên thế giới cũng đã có các khuyến cáo không nên dùng kính nhiều đối với các tòa cao ốc.
Mặt khác, theo nghiên cứu của các nhà khoa học, ánh sáng phản quang từ các tòa nhà bọc kính đều trên 1.000 lux, trong khi mắt chúng ta chỉ chịu được độ ánh sáng khoảng 400 – 600 lux. Bên cạnh đó, nếu người nào tiếp xúc thường xuyên với các ánh sáng phản quảng từ cao ốc sử dụng kính hay đèn Led quảng cáo sẽ dẫn tới tình trạng nhức mắt, chóng mặt, thậm chí gây đau đầu, buồn nôn, mất ngủ…
PGS.TS. Nguyễn Minh Hòa – Trưởng Bộ môn đô thị học thuộc Trường ĐH KHXH & NV TP.Hồ Chí Minh từng trả lời báo chí liên quan đến việc các bảng quảng cáo sử dụng bằng đèn Led tại nhiều cao ốc thương mại hay trên các tuyến đường trung tâm, ánh sáng đều đạt vài ngàn lux. “Điều này gây nhiều tác hại đối với sức khỏe con người, đặc biệt các bệnh liên quan thần kinh và mắt”, PGS, TS Hòa nói.
Chẳng nhẽ vì lợi nhuận, đành cam tâm chọn cách sống nguy hiểm đến an toàn của chính bản thân con người?