Táo là một trong những loại quả có tác dụng tuyệt vời đối với sức khỏe con người. Trong táo có chứa những thành phần dinh dưỡng phong phú, đặc biệt là các loại vi chất, sinh tố, vitamin và axít hoa quả. Ngoài ra, táo còn chứa kali và các chất chống oxy hóa giúp ngăn ngừa bệnh ung thư và lão hóa ở con người. Lượng canxi trong táo cũng cao hơn trong các loại hoa quả, giúp trung hòa lượng muối dư thừa trong cơ thể.
Dưới đây là những tác dụng quan trọng của táo:
Ngăn ngừa tiêu chảy
Táo chứa nhiều pectin (các chất xơ được tìm thấy trong trái cây) hơn bất kỳ loại trái cây nào. Pectin sẽ được phân hủy trong ruột bởi các vi khuẩn tốt, tạo thành một lớp niêm mạc bảo vệ dạ dày, giúp xoa dịu và ngăn ngừa các chất gây kích thích ruột.
Quá trình phân hủy này cũng làm tăng lượng prebiotic, giúp tăng số lượng vi khuẩn đường ruột “tốt” (tấn công các vi khuẩn gây tiêu chảy ngay khi chúng xuất hiện).
Nếu bị tiêu chảy, hãy thử ăn 1 quả táo sau mỗi vài tiếng. Nấu táo để làm mềm các chất xơ trong táo cũng giúp làm chậm sự co bóp của ruột. Trẻ dưới một tuổi thì có thể uống nước táo ép, mỗi ngày ba lần, mỗi lần nửa muỗng canh.
Giảm nguy cơ hen suyễn
Các triệu chứng của bệnh hen suyễn như thở khò khè, ho và thắt ngực là do tình trạng đường hô hấp vị viêm và nhạy cảm quá mức. Các yếu tố kích thích bao gồm không khí lạnh, luyện tập, một số loại thực phẩm nào đó, viêm nhiễm, thời tiết và dị ứng.
Trong một nghiên cứu công bố trên tạp chí Respiratory Critical Care Medicine, các nhà nghiên cứu Anh cho biết những người ăn ít nhất 2 quả táo/tuần sẽ giảm được nguy cơ hen suyễn tới 1/3. Trong một nghiên cứu khác, con của các bà mẹ ăn táo trong thời kỳ mang thai ít bị hen suyễn trong 5 năm đầu đời.
Táo và nước táo ép có chứa chất kháng hen suyễn mạnh hơn bất kỳ thực phẩm nào. Đó là nhờ lượng chất chống ôxy hóa cao – một dạng chống bệnh tật tự nhiên bằng cách kháng viêm. 100g táo có lượng chất chống ôxy hóa cao gấp 3 lần so với cam và 8 lần so với chuối.
Ứng dụng: Do lượng chất chống ôxy hóa tập trung nhiều ở vỏ vì thế nên ăn 1 quả táo không gọt vỏ mỗi ngày.
Chống loãng xương
Loãng xương là tình trạng mật độ xương giảm khiến xương giòn và dễ vỡ. Nó liên quan với sự lão hóa, mãn kinh, luyện tập quá nhiều hay quá ít và chế độ dinh dưỡng thiếu các dưỡng chất cần cho xương như can-xi.
Tuy nhiên, nghiên cứu ngày nay cho thấy các dạng viêm nhiễm trong cơ thể cũng là nguyên nhân và các chất dinh dưỡng được gọi là flavonoid và một số hợp chất khác được tìm thấy trong táo có thể giúp giảm tình trạng viêm nhiễm này.
Một nghiên cứu của Pháp vào năm 2005 thấy rằng một hợp chất gọi là phlorizin, chỉ tìm thấy trong quả táo, giúp ngăn ngừa tình trạng mất xương liên quan với chứng viêm ở chuột.
Khoáng tố Bo tìm thấy trong táo cũng giúp khôi phục mức estrogen – estrogen thấp là một nguyên nhân phổ biến của chứng loãng xương. Trong khi đó, pectin làm tăng tính axit của dạ dày, từ đó làm tăng hấp thu can-xi.
Ứng dụng: Thêm táo vào chế độ ăn ngay khi còn nhỏ.
Khi sức đề kháng thấp
Một quả táo cỡ trung bình có 8% lượng vitamin C khuyến nghị hằng ngày. Vitamin C rất hữu ích đối với hệ miễn dịch.
Khi chất pectin trong táo được tiêu hóa, nó được lên men bởi các vi khuẩn tốt và kích thích sản xuất kháng thể và các tế bào máu trắng, giúp cơ thể chống lại căn bệnh này.
Ứng dụng: Ăn một quả táo mỗi ngày.
Và rất nhiều bệnh khác
Người ta đã đúc kết một số cách dùng táo để chữa trị các chứng bệnh khác nhau như:
- Thiếu máu: ăn táo tươi hàng ngày.
- Viêm ruột kết cấp tính: ăn táo tươi mài thành sợi nhỏ.
- Tiểu đường: ăn nhiều táo chua hàng ngày.
- Bệnh tim mạch: ăn nhiều táo ngọt hàng ngày.
- Bệnh béo phì giai đoạn đầu: mỗi tuần dành một ngày ăn táo; ăn 1,5kg táo chia làm sáu lần trong ngày.
- Bướu cổ: hãy thường xuyên ăn táo.
- Bỏng: đắp miếng táo tươi.
- Buồn nôn khi mang thai: 60g vỏ táo tươi; 30g gạo rang vàng, nấu làm trà uống hàng ngày.
- Trẻ ăn không tiêu: một quả táo gọt vỏ cắt lát mỏng, cho vào bát đậy nắp, cho vào nồi hấp cách thủy, nghiền nát cho trẻ ăn.
- Huyết áp cao: mỗi ngày ăn ba lần, mỗi lần 250g táo tươi.